Những Ảnh Hưởng Và Vai Trò Của Hormone Trong Cơ Thể
Xem nhanh nội dung bài viết
Cơ thể con người là cỗ máy sinh học vô cùng phức tạp và tinh vi, mọi hoạt động đều được điều phối nhịp nhàng. Trong hệ thống điều khiển đa tầng như cơ thể, chúng như những sứ giả đầy quyền năng, có khả năng chi phối quá trình trao đổi chất, phát triển, cân bằng nội môi,…
Trong bài viết dưới đây, Vivita sẽ cùng mọi người khám phá cụ thể vai trò của hormone và ảnh hưởng khi nồng độ hormone bị rối loạn.
Hormone là gì?
Định nghĩa ban đầu về hormone được Ernest Henry Starling đưa ra vào năm 1905. Theo ông, Hormone là “chất được sản xuất bởi các tuyến có bài tiết bên trong, có chức năng mang tín hiệu qua máu đến các cơ quan đích để gây ra những thay đổi chức năng”.

Tuy nhiên, ở thực vật, mỗi tế bào đều có khả năng sản xuất hormone và cũng có nhiều hợp chất tín hiệu mà chúng ta không coi là hormone. Vậy nên, khái niệm trên không còn đúng nữa mà đã được định nghĩa lại bởi y học hiện đại.
- Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH): Hormone là chất hóa học được cơ thể sản xuất và máu vận chuyển đến các mô, cơ quan. Chúng tham gia vào các quá trình tăng trưởng và phát triển, trao đổi chất, chức năng tình dục, sinh sản,…
- Theo tổ chức y tế Mayo Clinic: Hormone là một trong nhiều chất được tạo ra bởi các tuyến trong cơ thể, lưu thông trong máu và kiểm soát hoạt động của một số tế bào, cơ quan.
- Theo tạp chí Encyclopaedia Britannica: Hormone là chất hữu cơ được tiết ra bởi thực vật và động vật, có chức năng điều hòa các hoạt động sinh lý, duy trì cân bằng nội môi.
Tóm lại, Hormone là chất hóa học được sản xuất bởi các tuyến nội tiết. Chúng truyền qua máu đến các cơ quan, mô để điều hòa chức năng tăng trưởng, trao đổi chất, sinh sản và phản ứng với căng thẳng.
Vai trò của hormone
Điều hòa quá trình trao đổi chất
Hormone đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát quá trình trao đổi chất và duy trì cân bằng năng lượng trong cơ thể. Insulin và Glucagon được sản xuất bởi tuyến tụy, là 2 hormone chính điều chỉnh nồng độ glucose trong máu. Sự cân bằng giữa insulin và glucagon rất quan trọng để duy trì nguồn năng lượng ổn định cho cơ thể.
- Insulin hỗ trợ giảm lượng đường trong máu bằng cách thúc đẩy hấp thu glucose vào tế bào.
- Glucagon thì ngược lại, kích thích gan giải phóng glucose dự trữ làm tăng lượng đường trong máu bằng cách.
Các hormone khác như cortisol, leptin và ghrelin cũng tác động đến tâm lý thèm ăn, lưu trữ chất béo và sử dụng năng lượng.
- Cortisol được sản xuất bởi tuyến thượng thận, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose, protein và chất béo.
- Leptin được sản xuất bởi các tế bào mỡ, giúp điều chỉnh sự thèm ăn bằng cách gửi tín hiệu no đến não
- Ghrelin được sản xuất bởi dạ dày, kích thích sự thèm ăn của cơ thể.

Điều tiết quá trình phát triển cơ thể
Vai trò quan trọng nhất của hormone là điều hòa quá trình tăng trưởng và phát triển. Hormone tăng trưởng (GH) được sản xuất bởi tuyến yên, kích thích sự phát triển của xương, cơ và các mô. Nếu cơ thể thiếu hụt GH có thể dẫn đến chứng lùn, còn thừa thì lại gây ra chứng to đầu chi ở người lớn.
Hormone tuyến giáp (Thyroxine và Triiodothyronine) cũng rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển não bộ ở trẻ sơ sinh. Thiếu hormone tuyến giáp ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về phát triển.
Điều tiết chức năng sinh sản
Các hormone sinh sản chính bao gồm estrogen, progesterone ở nữ giới và testosterone ở nam giới.
- Ở nữ giới, estrogen phát triển các đặc điểm giới tính thứ cấp, quyết định chu kỳ kinh nguyệt và thai kỳ. Progesterone chuẩn bị niêm mạc tử cung để thụ thai và duy trì thai kỳ.
- Ở nam giới, testosterone là hormone giới tính chính, phát triển các đặc điểm như sản xuất tinh trùng và duy trì chức năng sinh sản .
Tuyến yên cũng sản xuất các hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone lutein hóa (LH). Chúng có chức năng kiểm soát hoạt động của buồng trứng và tinh hoàn. Ngoài ra, Prolactin được sản xuất bởi tuyến yên có tác dụng kích thích sản xuất sữa ở phụ nữ sau khi sinh.

Ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc
Các hormone như serotonin, dopamine, endorphin và oxytocin thường được gọi là “hormone hạnh phúc”. Bởi vì chúng tạo ra cảm giác tích cực và khoái cảm ở con người.
- Serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và sự thèm ăn.
- Dopamine tạo ra cảm giác dễ chịu, thoải mái.
- Endorphin là thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể, được giải phóng để đáp ứng với căng thẳng hoặc khó chịu.
- Oxytocin còn được gọi là “hormone tình yêu”, thúc đẩy sự tin tưởng, đồng cảm và gắn kết trong các mối quan hệ.
Các tuyến nội tiết sản xuất hormone chính
Cơ thể con người là một hệ thống phức tạp, chứa nhiều tuyến nội tiết có khả năng sản sinh ra hormone. Trong hệ thống nội tiết sẽ có nhiều tuyến chính, mỗi tuyến lại sản xuất hormone khác nhau để điều chỉnh các chức năng của cơ thể.
Tuyến yên
Nằm ở đáy não, tuyến yên thường được gọi là “tuyến chủ” vì kiểm soát nhiều tuyến nội tiết khác. Thùy trước của tuyến yên sản xuất hormone tăng trưởng (GH), hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH), hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone lutein hóa (LH), prolactin (PRL) và hormone kích thích tế bào hắc tố (MSH).
Thùy sau của tuyến yên lưu trữ và giải phóng 2 hormone được sản xuất ở vùng dưới đồi là Oxytocin và Vasopressin (hormone chống bài niệu – ADH).
Tuyến giáp
Nằm ở cổ, phía trước khí quản, sản xuất 3 hormone chính là Thyroxine (T4), Triiodothyronine (T3) và Calcitonin. Trong đó, T3 và T4 điều chỉnh tốc độ trao đổi chất, Calcitonin tham gia vào quá trình chuyển hóa canxi và xương.

Tuyến cận giáp
Có 4 tuyến nhỏ nằm phía sau tuyến giáp, giúp điều chỉnh nồng độ canxi trong cơ thể. Hormone chính được sản xuất bởi tuyến cận giáp là hormone cận giáp (PTH), có chức năng làm tăng nồng độ canxi trong máu.
Tuyến thượng thận
Nằm trên đỉnh mỗi quả thận, có chức năng sản xuất các hormone Cortisol, Aldosterone, Dehydroepiandrosterone (DHEA), Androgen và Estrogen (tiền chất) ở vỏ thượng thận, Epinephrine (Adrenaline) và Norepinephrine (Noradrenaline) ở tủy thượng thận. Các hormone này tham gia vào phản ứng căng thẳng, điều hòa huyết áp, chuyển hóa glucose và cân bằng điện giải.
Tuyến tụy
Nằm ở bụng, phía sau dạ dày, sản xuất các hormone như Insulin, Glucagon và Somatostatin có vai trò chính trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Buồng trứng (Nữ)
Nằm trong khung chậu, sản xuất hormone giới tính nữ như Estrogen, Progesterone và lượng nhỏ Testosterone, Inhibin, Relaxin và hormone chống Müllerian (AMH). Các hormone kể trên có vai trò điều khiển sự phát triển giới tính nữ, chu kỳ kinh nguyệt và thai kỳ.
Tinh hoàn (Nam)
Nằm trong bìu, là cơ quan chính sản xuất hormone giới tính nam Testosterone, Inhibin và hormone chống Müllerian (AMH). Testosterone chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các đặc điểm nam tính và sản xuất tinh trùng.
Vùng dưới đồi
Nằm ở đáy não, có vai trò như “cầu nối” giữa hệ thống nội tiết và hệ thống thần kinh, kiểm soát tuyến yên. Vùng dưới đồi sản xuất một số hormone giải phóng và ức chế như hormone Corticotropin (CRH), Dopamine, hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH), hormone giải phóng hormone tăng trưởng (GHRH), Oxytocin, Somatostatin, hormone giải phóng Thyrotropin (TRH) và Vasopressin (ADH).

Những ảnh hưởng khi rối loạn hormone
Rối loạn hormone xảy ra khi có sự mất cân bằng trong sản xuất hoặc hoạt động của một hoặc nhiều hormone trong cơ thể. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, gây nên nhiều căn bệnh mãn tính nguy hiểm:
- Rối loạn Tuyến giáp: Tình trạng suy giáp hoặc cường giáp, nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tự miễn Hashimoto và bệnh Graves. Các biến chứng thể nặng liên quan đến vấn đề về tim, xương yếu và cơn bão giáp (có thể đe dọa đến tính mạng).
- Đái tháo đường (Tiểu đường): Tiểu đường tuýp 1 là bệnh tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy tế bào sản xuất insulin ở bên trong tuyến tụy. Tiểu đường tuýp 2 là hiện tượng cơ thể kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin. Năm 2022, số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng lên 830 triệu người.
- Hội chứng Buồng trứng Đa nang (PCOS): Là vấn đề rối loạn nội tiết phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. PCOS làm mất cân bằng hormone, kinh nguyệt không đều, mọc nhiều lông (rậm lông), mụn trứng cá, tăng cân,…
- Bệnh Addison (Suy thượng thận nguyên phát): Là tình trạng hiếm gặp khi tuyến thượng thận không sản xuất đủ cortisol và aldosterone. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi cực độ, sụt cân, chán ăn, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
- Rối loạn Hormone Tăng trưởng: Chứng to đầu chi (ở người lớn) và Chứng khổng lồ (ở trẻ em) nếu bị thừa hormone tăng trưởng (GH) hoặc Chứng lùn nếu thiếu GH.
Qua bài viết trên, khách hàng đã tìm hiểu những vai trò của hormone và ảnh hưởng khi chúng bị rối loạn. Nếu mọi người muốn theo dõi nhiều thông tin hữu ích khác về sức khỏe, truy cập Vivita.vn ngay nhé!