Gợi Ý 10+ Món Quà Sức Khỏe Cho Người Lớn Tuổi Tốt Được Yêu Thích Nhất 2023

Xem ngay
0
bệnh sốt xuất huyết

Bệnh Sốt Xuất Huyết là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Viết bởi Kim Tiền 0 bình luận

Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến, xuất hiện theo mùa và hiện nay đang leo “top” với số lượng người nhiễm bệnh ngày càng gia tăng, chưa có hiệu thuyên giảm. Theo báo cáo Bộ Y Tế ngày 23/06/2022, số ca nhiễm bệnh tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021, số người tử vong tăng 24 trường hợp.

Vậy nên bài viết dưới đây, Vivita sẽ giúp mọi người hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị để phòng tránh cũng như hạn chế xảy ra tình trạng xấu.

Bệnh Sốt Xuất Huyết Là Gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, với biểu hiện đặc trưng là tình trạng xuất huyết dưới da. Virus Dengue có trong muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti) sẽ được lây truyền từ người này sang người khác bằng mầm bệnh đốt. 

Từ dữ liệu WHO, mỗi năm thế giới có khoảng 390 triệu ca sốt xuất huyết, trong đó 96 triệu người có biểu hiện lâm sàng. Đồng thời, một nghiên cứu khác chỉ ra sự phổ biến của bệnh này khi ước tính rằng 3,9 tỷ người có nguy cơ nhiễm, trong đó 70% là nằm ở các nước Châu Á.

Ban đầu, sốt xuất huyết sẽ gây ra các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm và kéo từ 2 – 7 ngày. Thời gian ủ bệnh sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt là từ 4 – 10 ngày.  

Nguyên Nhân Gây Bệnh Sốt Xuất Huyết

Như đã nhắc đến ở trên, nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là do virus Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae), vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti), virus được đưa vào máu của người bệnh bằng cách đốt (chích)..

nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết

Virus Dengue gồm 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4 nên bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm ít nhất là 1 trong 4 chủng này. Đồng thời, người bị nhiễm có khả năng sản sinh ra miễn dịch với chủng mà mình mắc phải, nhưng đối với 3 chủng còn lại thì vẫn có nguy cơ mắc phải. 

Ngoài ra, muỗi vằn Aedes Aegypti thường sẽ hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới có thể đốt người, truyền nhiễm bệnh. Thời gian virus được ủ bệnh trong cơ thể muỗi rơi vào khoảng 8 – 11 ngày. Sau đó, nếu bị muỗi chích thì virus sẽ được lây truyền vào cơ thể bạn.

Cần lưu ý những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết dưới đây:

  • Sinh sống hoặc đi đến những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đặc biệt là các khu vực có nguy cơ mắc bệnh cao như Đông Nam Á, các đảo Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ La – Tinh và vùng Caribê.
  • Người có tiền sử bị sốt xuất huyết khi nhiễm lại, các triệu chứng sẽ nặng và nguy hiểm hơn trước.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Phụ nữ và người da trắng.

Triệu Chứng Bệnh Sốt Xuất Huyết

Triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng và dễ gây nhầm lẫn, với diễn biến từ nhẹ đến nặng. Dựa theo từng mức độ khác nhau, dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em cũng khác nhau.

triệu chứng bệnh sốt xuất huyết

Triệu Chứng Bệnh Sốt Xuất Huyết Ở Người Lớn

Dựa trên phân loại mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2011, sốt xuất huyết được chia thành 2 nhóm: không có biến chứng và biến chứng nặng.

  • Sốt xuất huyết thể nhẹ không biến chứng: Ở tình trạng này, người bệnh có thể điều trị tại nhà dưới sự tư vấn và chỉ đạo của bác sĩ. Nhằm phòng tránh nguy cơ bệnh chuyển sang thể nặng cho chăm sóc sai cách.
  • Sốt xuất huyết thể nặng: Ngược với thể trên, sốt xuất huyết thể nặng hay xuất huyết nội tạng với nguyên nhân xảy ra là từ chảy máu, rò rỉ huyết tương nghiêm trọng hoặc rối loạn chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Biểu hiện đầu tiên như đau đầu, sốt nhẹ,… nhưng khoảng 2 ngày sau các triệu chứng nguy hiểm xuất hiện gồm phân đen, đại tiện ra máu,… hoặc khó nhận biết hơn là tình trạng xuất huyết não. Khiến người bệnh sốt, cảm thấy đầu đau đến khi xảy ra hiện tượng liệt nửa người, hôn mê và tử vong ngay sau đó.

3 giai đoạn sốt xuất huyết ở người lớn

Thời gian ủ bệnh sẽ rơi vào khoảng 4 – 10 ngày và tuỳ theo mức độ của bệnh mà chia làm 3 giai đoạn chính:

1. Giai đoạn sốt

Virus Dengue sau khi truyền vào cơ thể người thông qua vết muỗi chích, thời gian ủ bệnh sẽ được diễn ra từ 4 – 7 ngày, có khi là 14 ngày. Sau quá trình đó, cơ thể người bệnh bắt đầu có các biểu hiện sốt.

Giai đoạn sốt, người bệnh có thể sốt cao liên tục hoặc đột ngột ở mức 39 – 40 độ C, dù có sử dụng thuốc hạ sốt nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Triệu chứng đi kèm như: đau họng, đau thượng vị, đau đầu, tiêu chảy, nhức hai bên hốc mắt, da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, phát ban, chán ăn, buồn nôn, đau nhức các cơ khớp,…

2. Giai đoạn nguy hiểm 

Tính từ ngày đầu tiên bị sốt thì giai đoạn nguy hiểm sẽ diễn ra khoảng 3 – 7 ngày. Người bệnh lúc này đã giảm hoặc vẫn còn sốt nhưng có thể đối diện với tình trạng lượng tiểu cầu giảm và máu đông đặc (nhiễm trùng thứ phát), biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. 

Đồng thời, các biến chứng nặng khác như tình trạng thoát huyết tương do bị tăng tính thấm thành mạch, tràn dịch phổi (đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực, khó thở), tràn dịch màng bụng (chướng bụng…), xuất huyết dưới da biểu hiện dưới dạng nốt hoặc các mảng xuất huyết ở vị trí mặt trước 2 chân, phía trong 2 cánh tay, đùi, mạng sườn, bụng,… có nguy cơ xảy ra.

nguy hiểm bệnh sốt xuất huyết

Nguy hiểm hơn phải nhắc đến tình trạng xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não (nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh,…). Thậm chí, người bệnh có thể bị viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não, suy thận,… 

Những biến chứng nặng này có thể xảy ra với bất kì người nào bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Do đó, trong giai đoạn nguy hiểm, cần theo dõi và chăm sóc kĩ lưỡng người bệnh. Nếu thấy biểu hiện nặng thì cần thực hiện các bước cấp cứu theo chỉ dẫn của bác sĩ càng sớm càng tốt.

3. Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn này cơ thể cần nạp nhiều dưỡng chất và nghỉ ngơi hợp lý, thoải mái nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe. Người bệnh lúc này đã không còn sốt, chỉ số huyết áp ổn định, đi tiểu nhiều hơn và có cảm giác thèm ăn. 

Mặc dù vậy, mọi người không nên chủ quan mà vẫn phải chú ý chăm sóc và theo dõi. Nhất là các biểu hiện bất thường xảy ra thì liên hệ ngay cơ quan y tế hoặc bác sĩ để được hỗ trợ. Vì nguy cơ phù phổi hoặc suy tim có thể “rình rập” và xảy ra đột ngột.

Triệu Chứng Bệnh Sốt Xuất Huyết Ở Trẻ Em

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường gặp nhiều hơn so với người lớn bởi sức đề kháng yếu. Triệu chứng cũng tương tự như người lớn, tuy nhiên về từng giai đoạn cụ thể, các dấu hiệu đặc trưng sẽ có sự khác biệt riêng:

trẻ em bệnh sốt xuất huyết

1. Giai đoạn sốt

Khi bệnh khởi phát thì đây sẽ là giai đoạn đầu tiên, trẻ sẽ xuất hiện tượng nóng ran ở trán, sốt cao từ 39 – 40 độ C trong khoảng thời gian 2 – 5 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn 2 – giai đoạn nguy hiểm.

Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý một số dấu hiệu đi kèm như:

  • Sốt cao không thuyên giảm mặc dù đã sử dụng hạ sốt.
  • Đau đầu, cơ đau nhức, chán ăn, mệt mỏi.
  • Ho, hắt hơi, sổ mũi.
  • Xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nổi phát ban, nổi mẩn trên da.

2. Giai đoạn nguy hiểm

Xuất hiện ở trẻ sau giai đoạn đầu, thường sẽ diễn ra từ 3 – 7 ngày để từ khi bắt đầu sốt. Lúc này, trẻ có thể đã hạ sốt nhưng lại có những triệu chứng nặng như bứt rứt, khó chịu và quấy khóc. Ngoài ra, trẻ lớn sẽ than đau đầu, buồn nôn và không muốn ăn. 

chán ăn bệnh sốt xuất huyết

Đồng thời, bố mẹ cần quan sát xem bé có xuất hiện dấu hiệu sốc khi tính thấm thành mạch tăng gây ra các biểu hiện thoát huyết tương: 

  • Bứt rứt, vật vã, lờ đờ, mệt mỏi.
  • Da lạnh ẩm, đầu chi lạnh.
  • Mạch nhanh nhỏ.
  • Huyết áp kẹt hoặc huyết áp tâm trương tăng/ tâm thu giảm.
  • Tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp người bệnh.
  • Ít đi tiểu.
  • Xuất huyết nhiều dưới da hoặc xuất huyết nội tạng. 
  • Đau bụng.
  • Hay khát nước.
  • Chướng bụng do thoát huyết tương.

Ngoài ra, trẻ có thể mắc phải các triệu chứng nghiêm trọng khác như: sưng đau gan, nề mi mắt, tràn dịch màng bụng, màng phổi hay mô kẽ. 

3. Giai đoạn phục hồi

Trẻ sẽ có những dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn 2 – giai đoạn nguy hiểm từ 48 – 72 giờ. Cơ thể được cải thiện, sức khoẻ dần tốt lên với những biểu hiện như thèm ăn, huyết áp ổn định, đi tiểu nhiều hơn.

Biến Chứng Bệnh Sốt Xuất Huyết

Bệnh sốt xuất huyết trước đây thường xuất hiện phổ biến ở trẻ em, nhưng sau một thời gian thì người lớn cũng bị nhiễm với tỷ lệ biến chứng khá cao. Những người có bệnh nền hay thừa cân béo phì cần chú trọng hơn. Đồng thời, nếu không điều trị đúng cách, người bệnh có thể gặp biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. 

biến chứng bệnh sốt xuất huyết

Những biến chứng phải kể đến như: chảy máu đường tiêu hoá, ra máu khi đi đại tiện, phân đen hoặc xuất huyết trên da; suy gan, suy thận, trụy tim mạch; riêng ở phụ nữ có thể bị xuất huyết âm đạo không trùng với chu kỳ kinh nguyệt khiến nhiều chị em lầm tưởng với các bệnh về phụ khoa. Thậm chí người bệnh có thể rơi vào xuất huyết não khó nhận biết, người bệnh cảm thấy đau đầu, sốt, liệt nửa người, sau đó hôn mê và tử vong.

Cách Điều Trị Bệnh Sốt Xuất Huyết

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng.Căn cứ vào lúc bắt đầu sốt và những biểu hiện đi kèm, người bệnh nên đi khám sẽ được bác sĩ chỉ định nên điều trị tại nhà hay nhập viện. 

Điều trị tại nhà

  • Chăm sóc kỹ lưỡng, theo dõi sát sao và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
  • Theo dõi sát thân nhiệt của người bệnh, nếu nhận thấy trẻ sốt cao 39 – 40 độ kéo dài khó hạ, phải báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ nhập viện.
  • Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo lời dặn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprofen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu ngoài ý muốn.
  • Bổ sung nhiều nước, oresol hoặc có thể thay thế bằng nước dừa, các loại nước hoa quả hoặc nước cháo muối đường.
  • Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%.
  • Người bệnh, nhất là trẻ em bị sốt xuất huyết ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo loãng, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola…), bí đỏ, cà rốt… vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu hay đi tiêu có máu. Nhờ đó, bác sĩ sẽ phát hiện, xử trí kịp thời khi trẻ bị biến chứng do sốt xuất huyết gây ra.
  • Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da, vùng kín. Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.
  • Tuyệt đối không tắm gội, lau người bệnh bằng nước lạnh vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra rất nguy hiểm.
  • Nếu thấy một trong những biểu hiện bất thường như chảy máu cam,  hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Lưu ý điều trị tại bệnh viện

Việc thực hiện xét nghiệm máu sẽ được được thực hiện mỗi ngày để xem xét có hay không tình trạng tiểu cầu giảm hay men gan tăng hay không.

chăm bệnh sốt xuất huyết

Cách Phòng Bệnh Sốt Xuất Huyết

Mỗi năm, toàn thế giới phải có tới hàng triệu trường hợp nhiễm bệnh sốt xuất huyết với mức độ bùng phát được cảnh báo. Việc lây truyền từ người này sang người khác bởi con đường trung gian là muỗi vằn, chính vì thế, biện pháp ngăn ngừa sốt xuất huyết tốt nhất là:

  • Giữ vệ sạch sẽ nơi ở và môi trường sống xung quanh.
  • Che đậy các dụng cụ có khả năng đọng nước trong và xung quanh nhà.
  • Thả cá vào các bể, phi chứa nước, hòn non bộ; bể cảnh (cá thường dùng là các loại cá nhỏ như cá muỗi, cá bảy màu, cá rô, cá sóc…)
  • Thay nước 1 tuần/1 lần với các lọ hoa, cây cảnh có nước.
  • Thu gom phế liệu phế thải 1 tuần/ 1 lần.
  • Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
  • Phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.
  • Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
  • Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám, tư vấn. Đặc biệt, không nên tự ý điều trị tại nhà. 

phòng bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ biến chứng rất cao, mọi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu. 

Liên hệ với Nhà Thuốc Vivita qua hotline 1900 2061 để được giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến việc chăm sóc và điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, tránh để bệnh diễn biến nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm.   

Bài cùng chuyên mục


Share bài viết

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Nếu có câu hỏi nào thêm, bạn có thể để lại thông tin để nhận tư vấn của chúng tôi.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Hotline (24/7)


    1900 2061