Hướng Dẫn Bà Bầu Uống Axit Folic Đúng Cách Để Thai Nhi Phát Triển Khoẻ Mạnh
Xem nhanh nội dung bài viết
Uống axit folic đúng cách là một trong những vấn đề được rất nhiều mẹ bầu quan tâm. Bởi lẽ, axit folic vô cùng quan trọng với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong những tuần thai đầu tiên.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn mẹ bầu cách uống axit folic đúng cách cùng những lưu ý khi bổ sung dưỡng chất này.
Uống axit folic đúng cách là như thế nào?
Để uống axit folic đúng cách, mẹ bầu cần nắm rõ những thông tin liên quan như nhu cầu của cơ thể, giai đoạn thai kỳ và thời điểm cần bổ sung axit folic.
Nhu cầu axit folic của bà bầu
Axit folic là dưỡng chất cần thiết đối với cơ thể. Một người lớn phát triển bình thường, nhu cầu axit folic mỗi ngày dao động từ 180 – 200 mcg.
Chị em phụ nữ nếu có ý định mang thai thì cần bổ sung acid folic với hàm lượng cao hơn, từ 400 – 600 mcg/ ngày.
Mẹ bầu nên bổ sung axit folic từ giai đoạn nào?
Axit folic giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn dị tật ống thần kinh của thai nhi. Trong khi đó, ống thần kinh của bé được hình thành ngay từ ngày đầu và kết thúc vào ngày thứ 28 của thai kỳ.
Đây là khoảng thời gian nhạy cảm vì hầu hết chị em phụ nữ chưa nhận ra bản thân mình đang mang thai. Chính vì thế, để đảm bảo thai nhi phát triển tốt nhất, chị em nên bổ sung 400 – 600mcg axit folic/ ngày ngay từ khi có kế hoạch sinh con.
Hàm lượng axit folic phù hợp với chị em từ giai đoạn chuẩn bị mang thai cho đến khi sinh con như sau:
- Giai đoạn 1-3 tháng trước khi mang thai: chị em cần bổ sung tối thiểu 400mcg axit folic mỗi ngày.
- Giai đoạn mang thai: mẹ bầu cần bổ sung 400 – 600mcg axit folic để thai nhi phát triển tốt nhất.
- Giai đoạn sau sinh và cho con bú: hàm lượng axit folic sẽ thấp hơn một chút, 300 – 500mcg/ ngày.
Nên uống axit folic vào thời điểm nào trong ngày?
Thời điểm tốt nhất để uống axit folic giúp cơ thể bà bầu hấp thụ tối đa là khoảng thời gian giữa hai bữa ăn.
Đặc biệt, vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể dung nạp axit folic. Chính vì thế, mẹ bầu có thể uống axit folic cùng nước cam hoặc nước trái cây giàu vitamin C.
Ngoài ra, chị em nên hạn chế uống trà, cà phê, đồ uống có cồn, chất kích thích,…vì những loại thực phẩm này sẽ làm giảm sự hấp thụ axit folic của cơ thể.
Tầm quan trọng của axit folic đối với mẹ bầu
Axit folic được nhắc đến rất nhiều trong các bài viết về dinh dưỡng cho mẹ bầu. Vậy axit folic là gì và đóng vai trò như thế nào trong suốt thai kỳ?
Axit folic là gì?
Axit folic là một dạng hòa tan trong nước của vitamin B9, giữ nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất và phân chia tế bào của cơ thể, đồng thời hình thành hồng cầu.
Chính vì vậy, nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng axit folic cần thiết sẽ rất dễ bị thiếu máu. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khoẻ của cơ thể, đặc biệt là mẹ bầu và thai nhi.
Lợi ích của axit folic đối với mẹ bầu
Nếu như đối với người bình thường, axit folic giúp sản xuất và duy trì sự phát triển của tế bào mới thì đối với mẹ bầu và thai nhi, axit folic còn mang lại nhiều lợi ích hơn thế.
- Đối với mẹ bầu: axit folic giúp ngăn chặn thiếu máu, giảm nguy cơ sảy thai, tiền sản giật hay các bệnh lý khác như suy giảm trí nhớ, khó ngủ,…
- Đối với thai nhi: ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, hở hàm ếch, chậm phát triển ngôn ngữ và đảm bảo sự phát triển khoẻ mạnh chính là những lợi ích của axit folic mang lại cho bé.
Bổ sung axit folic bằng những cách nào?
Mẹ bầu có thể bổ sung axit folic qua thực phẩm hàng ngày hay các sản phẩm bổ trợ khác.
Các loại thực phẩm giàu axit folic
Dưới đây là một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng axit folic dồi dào mà mẹ bầu có thể bổ sung trong thực đơn hàng ngày:
- Măng tây: trung bình 5 cây măng tây có chứa tới 1000 mcg axit folic. Khi chế biến, mẹ bầu lưu ý không nên đun quá lâu để tránh làm mất lượng axit folic quý giá này.
- Rau chân vịt: đây là một trong những loại rau xanh sẫm màu rất giàu axit folic. Bên cạnh đó, rau chân vịt cũng có hàm lượng sắt, canxi,…cao nên rất thích hợp cho mẹ bầu bổ sung hàng ngày.
- Súp lơ: không chỉ chứa lượng axit folic cao mà còn giàu canxi, vitamin C, chất xơ và sắt.
- Ngũ cốc: mẹ bầu sẽ được cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất khi bổ sung ngũ cốc trong bữa sáng hoặc bữa phụ của mình.
- Gan động vật: Tuy đây là món ăn rất giàu axit folic nhưng nó cũng chứa hàm lượng vitamin A cao. Vì thế, mẹ bầu nên bổ sung gan động vật với chế độ hợp lý để tránh ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.
- Cà chua: là một trong những loại gia vị không thể thiếu trong nhiều bữa ăn và cũng là một loại nước giải khát thơm ngon mà mẹ bầu có thể dễ dàng đưa cà chua vào trong thực đơn của mình. Một cốc nước ép cà chua có chứa tới 48 mcg axit folic kèm nhiều dưỡng chất khác như vitamin, chất xơ, chất chống oxy hoá,…
- Quả bơ: 90 mcg là hàm lượng axit folic có trong nửa quả bơ. Vì thế, mẹ bầu nên ăn bơ thường xuyên để bổ sung axit folic cũng như chất xơ, vitamin, sắt, kali,…
Bổ sung axit folic qua sản phẩm bổ trợ
Có rất nhiều loại thực phẩm giàu axit folic mà bà bầu có thể bổ sung qua chế độ ăn, thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên, sau khi chế biến, đun nấu, hàm lượng axit folic có thể bị mất đi. Đồng thời, cơ thể không thể hấp thụ được toàn bộ lượng axit folic đã nhận được.
Chính vì thế, mẹ bầu cần uống axit folic qua các sản phẩm bổ trợ khác như vitamin tổng hợp, các loại thực phẩm chức năng,…Hầu hết, mẹ bầu sẽ lựa chọn vitamin tổng hợp, bởi ngoài axit folic, sản phẩm còn cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi.
Thông thường, hàm lượng của axit folic trong các sản phẩm này sẽ là 400 mcg. Vì thế, mẹ bầu nên cân đối viên uống vitamin tổng hợp cùng chế độ dinh dưỡng hàng ngày để thai nhi có thể phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Một số loại vitamin tổng hợp mà mẹ bầu có thể tham khảo là Elevit, Nature Made Prenatal Multi + DHA, Pregnacare Max,…
Những lưu ý khi uống axit folic
Là một dưỡng chất quan trọng trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần uống axit folic đúng cách đồng thời ghi nhớ một vài lưu ý sau:
- Không uống axit folic cùng thuốc chống viêm: đây là loại thuốc có tác dụng nhanh và hiệu quả, và các hoạt chất chống viêm sẽ làm giảm tác dụng của axit folic. Vì thế, bà bầu không nên bổ sung hai loại này cùng nhau.
- Thuốc dạ dày làm cản trở cơ thể hấp thụ axit folic: axit folic sẽ được hòa tan khi ở trong dạ dày nhờ nồng độ axit cao. Các loại thuốc dạ dày sẽ làm giảm nồng độ axit, khiến axit folic không được hòa tan hoàn toàn nên cơ thể sẽ khó hấp thụ hơn.
- Không nên uống thuốc mỡ máu khi đang bổ sung axit folic: việc điều chỉnh lượng cholesterol có trong máu của thuốc mỡ máu sẽ khiến cơ thể khó hấp thu axit folic hơn.
- Không uống rượu bia: rượu bia không những không tốt với sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi mà còn làm giảm sự hấp thụ axit folic. Thậm chí, rượu bia còn có thể làm thay đổi hoạt tính của axit folic.
- Không nên bổ sung axit folic quá liều: khi cơ thể dung nạp quá nhiều axit folic sẽ gây ra một số tác dụng phụ như thiếu hụt vitamin B12, đẩy nhanh quá trình lão hoá của tế bào thần kinh,…
Trên đây là hướng dẫn uống axit folic đúng cách dành cho các bà bầu. Mẹ nên chú ý để bổ sung axit folic đúng và đủ liều lượng, kết hợp giữa các loại thực phẩm và sản phẩm bổ trợ. Để biết thêm thông tin liên quan, mẹ bầu có thể liên hệ Vivita để được tư vấn chi tiết hơn.
Tìm hiểu thêm: Uống sữa bầu đúng cách