#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Táo Bón: Nguyên Nhân Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị Tại Nhà

Phòng Và Trị Bệnh

Táo bón là một bệnh lý thường gặp ở mọi độ tuổi. Đây là một bệnh lý đường tiêu hóa, là tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng.

Bệnh táo bón gây khó chịu cho người mắc phải và có thể dẫn đến các bệnh lý khác như viêm đại tràng, trĩ. Vì vậy trong bài viết hôm nay nhà thuốc Vivita sẽ chia sẻ những thông tin cần biết về bệnh lý này.

táo bón là gì-dấu hiệu nhận biết táo bón

QC

Nguyên nhân gây táo bón

Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, trong đó được chia làm hai nhóm nguyên nhân chính:

Nguyên nhân nguyên phát

  • Táo bón có nhu động bình thường: do rối loạn cơ chế tống phân, xuất phát từ cơ thắt, cơ vòng hậu môn có vấn đề.
  • Táo bón có nhu động chậm: do nhu động ruột hoạt động kém sẽ gây ra táo bón, các triệu chứng thường thấy như chướng bụng, ít có nhu cầu đại tiện.
  • Táo bón do rối loạn chức năng sàn chậu: do các khối cơ, dây chằng bị thoái hóa, dẫn đến không thể giữ cho các cơ quan ở vùng sàn chậu bao gồm hậu môn, trực tràng nằm đúng vị trí của chúng. Từ đó dẫn đến tình trạng táo bón. Biểu hiện đặc trưng là rặn nhiều, đại tiện không hết phân, phải cần hỗ trợ mới tống phân ra ngoài hết được.

Nguyên nhân gây táo bón thứ phát

  • Do chế độ ăn uống, sinh hoạt: Chế độ ăn ít chất xơ, dư thừa chất béo động vật, nhiều đường, uống nhiều cà phê, trà, rượu, uống không đủ nước. Lười vận động; thường xuyên trì hoãn việc đại tiện. Ở trẻ em, táo bón còn có thể do việc uống sữa bột trong công thức có ít chất xơ và quá nhiều đạm, đường.
  • Mắc bệnh lý thực thể: những người mắc các bệnh tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, nứt hậu môn, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn sẽ dễ bị táo bón.
  • Mắc bệnh lý toàn thân: người có vấn đề tâm lý (trầm cảm, rối loạn lo âu); mắc bệnh về thần kinh (đột quỵ, Hirschsprung, Parkinson, chấn thương đầu, tủy sống); rối loạn nội tiết (chuyển hóa tăng canxi máu, hạ kali máu, tiểu đường); bệnh tuyến giáp (cường giáp, suy giáp); bệnh mô liên kết (xơ cứng bì, lupus); nhiễm độc chì cũng gây táo bón.
  • Phụ nữ mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố và áp lực từ tử cung gây chèn ép lên ruột, hoặc chế độ ăn thay đổi quá nhiều trong thai kỳ… đều ảnh hưởng đến nhu động ruột dẫn đến táo bón.
  • Dùng một số loại thuốc: Thuốc chống trầm cảm; thuốc kháng cholinergic; thuốc kháng axit; thuốc lợi tiểu; thuốc chứa codein và morphin; thuốc chống co giật… có thể gây táo bón.

Dấu hiệu táo bón

dấu hiệu nhận biết táo bón

Triệu chứng chung của người bị táo bón là đại tiện khó, phải rặn nhiều, phân cứng, rời rạc, chướng bụng, sờ thấy bụng cứng.

  • Ở người lớn: dấu hiệu táo bón bao gồm quá 3 ngày không thể đại tiện kèm theo cảm thấy chướng bụng, rất khó để tống phân ra ngoài, rặn nhưng không đại tiện được, phân cứng, phân có thể lẫn máu do xuất huyết hậu môn…
  • Ở trẻ em: Dấu hiệu táo bón bao gồm không thể đi đại tiện 3 lần/tuần kèm theo chướng bụng, đại tiện khó, mỗi khi đại tiện trẻ phải rặn đỏ mặt, phân cứng, có thể chảy máu nhẹ ở hậu môn do việc rặn quá mức. 
  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi có dấu hiệu 5-7 ngày không đi đại tiện, phân cứng, có thể kèm máu và chất nhầy; trẻ đau bụng, quấy khóc, lười ăn, bỏ bú, ngủ không ngon giấc.

Các đối tượng dễ mắc phải táo bón

Táo bón có thể gặp ở mọi đối tượng, do chế độ ăn, hệ enzym tiêu hóa, cơ chế tiết acid dạ dày – ruột, hoặc do các bệnh lý khác ảnh hưởng… Cụ thể các đối tượng thường mắc phải táo bón như sau:

Trẻ em

Đối tượng dễ mắc táo bón bao gồm trẻ em người béo phì

Táo bón thường gặp ở trẻ em thường là do trẻ nhịn không chịu đi ngoài, nhịn càng lâu thì phân trong ruột càng to, đi ngoài trở nên càng khó khăn.

Trẻ sơ sinh ăn phải thức ăn đặc, nhất là khi trẻ bắt đầu ăn dặm, ăn thức ăn đặc lần đầu. Lúc này hệ tiêu hóa của trẻ chưa kịp thích nghi, dẫn đến phân đặc, khó đi. Có thể khi bé cai sữa mẹ làm mất nguồn cung cấp nước đột ngột và bé dễ bị táo.

Thành phần của sữa công thức có thể thiếu hụt một số loại protein hoặc chất xơ cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh. Với trẻ lớn hơn, chế độ ăn thiếu hụt chất xơ từ các loại rau củ quả cũng thường xuyên gây táo bón.

Phụ nữ mang thai

Sự thay đổi khi mang thai gây ra sự thư giãn của cơ ruột do đó làm quá trình tiêu hóa trở nên chậm hơn. Khi thai nhi lớn dần, tử cung phát triển, chèn ép một số dây thần kinh, tĩnh mạch chậu, chèn ép làm thu hẹp không gian của đường tiêu hóa. Từ đó cũng làm thức ăn di chuyển chậm hơn.

Bà bầu rất dễ lười vận động, đặc biệt là khi gần vào cuối thai kỳ thường dẫn đến táo bón. Bà bầu cũng cần bổ sung canxi và sắt cho sự phát triển xương của thai nhi trong khi đó, hai khoáng chất này là những ion hóa trị cao, chúng có thể gây táo bón.

Đối tượng dễ mắc táo bón bao gồm phụ nữ mang thai và người cao tuổi

Người cao tuổi

Ở người cao tuổi, tốc độ tháo rỗng dạ dày giảm xuống, giảm tiết acid, và sự lão hóa niêm mạc ruột dẫn đến làm giảm quá trình hấp thu. Đồng thời làm tăng thời gian lưu giữ thức ăn trong hệ tiêu hóa và gây ra táo bón.

Người già cũng có chế độ ăn mất cân bằng, có thể thiếu chất xơ và protein do răng không còn chắc khỏe, chán ăn

Người bệnh béo phì

Người bị táo bón thường dễ tăng cân, đồng thời người thừa cân, béo phì cũng có thể dẫn đến bệnh táo bón. Nguyên nhân là do chất béo trong cơ thể cũng có thể làm cứng phân trong ruột. Người béo phì thường có thói quen thích ăn đồ ngọt, đồ béo chiên rán… làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn khó khăn hơn. Lâu dài dẫn đến bệnh táo bón mạn tính.

Người dùng thuốc

Thuốc là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh táo bón. Đặc biệt nhưng người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính về tim mạch… thường sử dụng cùng lúc nhiều thuốc. Các thuốc này có thể gây giảm tiết dịch tiêu hóa trong dạ dày, ruột, làm trung hòa dịch acid, làm kết tủa các thành phần trong hệ tiêu hóa cũng như thức ăn, làm giảm tốc độ làm rỗng dạ dày…

Thường gặp nhất là thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng (omeprazol, sucralfat, nhôm hydroxit…), thuốc giảm đau (morphin, codeine…), thuốc tác động hệ giao cảm (atropin), thuốc bổ sung khoáng chất (sắt, canxi…)

Biến chứng của táo bón

Táo bón thường dễ dàng điều trị tại nhà, không gây nguy hiểm tính mạng vì vậy thường bị người bệnh chủ quan bỏ qua. Tuy nhiên nếu không điều trị hợp lý sẽ dẫn đến các bệnh lý và biến chứng nặng.

biến chứng của táo bón

Sa trực tràng

Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn. Người bị sa trực tràng có cảm giác đi tiêu không thể kiểm soát nhiều mức độ, có thể chỉ có tiết dịch nhầy, tắc nghẽn đại tiện và có thể chảy máu trực tràng.

Ban đầu, khối sa có thể nhô ra qua kênh hậu môn chỉ khi đại tiện, rặn và trở lại như cũ ngay sau đó. Những lần tiếp theo, người bệnh cần phải đẩy khối sa về lại vị trí cũ, về lâu dài có thể tiến triển thành sa mạn tính. Biểu hiện là kể cả khi người bệnh đi bộ, đứng lâu, ho và hắt hơi cũng sẽ cảm thấy khó khăn vì có thể khiến khối sa nhô ra ngoài.

Nứt hậu môn

Nứt hậu môn là bệnh phổ biến thứ 3 trong các bệnh khám hậu môn. Triệu chứng chính của nứt hậu môn là đau hậu môn khi đi cầu và kéo dài sau khi đi cầu. Cảm giác đau nhói như vết cắt, rách, đôi khi là nóng rát kéo dài. Có thể có chảy máu hoặc không nhưng thường là không nhiều. 

Táo bón là triệu chứng thường thấy và cũng là nguyên nhân dẫn đến nứt hậu môn. Đôi khi đau hậu môn kèm theo triệu chứng tiểu gắt, tiểu đau hay bí tiểu. Nứt hậu môn thường gặp ở người trẻ và người trung niên, tuy nhiên vẫn có ở trẻ em và người già với tần suất thấp hơn.

Tắc ruột – viêm ruột

Hội chứng tắc ruột là tình trạng ruột của người bệnh bị tắc nghẽn cơ năng hoặc cơ học, làm ngăn cản sự di chuyển bình thường của các chất trong hệ tiêu hóa, khiến chúng bị tích tụ lại gây bít tắc, không đào thải ra ngoài cơ thể của người bệnh được.

Như vậy có thể thấy, chính bệnh táo bón làm cho thức ăn trong hệ tiêu hóa chậm đào thải hơn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tắc ruột. Ngoài ra, khi lượng thức ăn đó bị giữ lại trong ruột, đồng nghĩa với các chất thải, chất độc cũng bị ứ đọng lại. Từ đó gây ra các tổn thương niêm mạc ruột và gây ra bệnh viêm ruột.

biến chứng của táo bón như tác ruột viêm ruột

Bệnh trĩ

Bệnh trĩ là biến chứng xảy ra nhiều nhất do táo bón gây ra. Theo nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trĩ ở Việt Nam hiện nay lên tới 40-50%. Biểu hiện bệnh gồm có đau rát, chảy máu, sa búi trĩ gây đau đớn, khó chịu, phiền toái cho cuộc sống, giảm hiệu suất lao động.

Táo bón thường xuyên khiến cho quá trình đi đại tiện lúc nào cũng khó khăn, người bệnh phải rặn. Phân cứng, to đi qua sẽ làm tổn thương đám rối tĩnh mạch hậu môn. Về lâu dài gây giãn và phình to đám rối này, tạo thành búi trĩ.

Biểu hiện gồm có đau rát ở hậu môn, đau tăng lên khi đi tiêu, có thể chảy máu. Trong đợt trĩ cấp có thể chảy máu từng giọt, bắn thành tia, đau nóng rát. Nặng hơn có thể búi trĩ bị lòi ra ngoài, không thể co lên lại bình thường và có thể phải cắt bỏ.

Cách trị táo bón ngay lập tức tại nhà

Thay đổi tư thế ngồi

Thay đổi tư thế ngồi khi đại tiện là một cách hay để có thể giúp bạn đi tiêu dễ dàng ngay lập tức. Bạn cần ngồi sao cho chân và lưng tạo thành một góc 45 độ, giống như đang ngồi xổm. Tư thế này giúp thả lỏng hoàn toàn cơ thắt hậu môn, mở rộng hậu môn và trực tràng được thư giãn từ đó giúp bạn tống xuất phân ra ngoài.

Cách trị táo bón ngay lập tức tại nhà thay đổi tư thế ngồi

Khi ngồi toilet, bạn nên sử dụng một chiếc ghế nhỏ cao khoảng 20cm để kê chân cao lên khi bạn đại tiện.

Dùng thuốc bơm hậu môn

Dùng thuốc bơm hậu môn là cách khá phổ biến để trị táo bón, đặc biệt là táo bón cấp tính. Người bệnh có thể dễ dàng mua loại thuốc này tại nhà thuốc. Thuốc có hai loại hàm lượng dành riêng cho trẻ em và người lớn.

Thuốc bơm hậu môn thường có thành phần chính là glycerin. Chất này có tác dụng bôi trơn ở hậu môn, đồng thời có tác dụng kích thích đám rối thần kinh ở trực tràng – hậu môn. Làm tăng kích thích co bóp và đẩy phân ra ngoài.

Massage

Có hai vị trí có thể massage để thúc đẩy quá trình đi vệ sinh đều đặn bình thường:

  • Massage vùng đáy chậu: Đây là vùng nằm giữa hậu môn và cơ quan sinh dục. Các nghiên cứu cho thấy việc tạo áp lực lên vùng đáy chậu sẽ thư giãn những bộ phận tại đây, từ đó giúp bạn đi vệ sinh dễ dàng hơn. Đồng thời massage cũng có tác dụng phá vỡ khối phân cứng, nới lỏng cơ và kích thích các dây thần kinh ở ruột, từ đó giúp giảm bớt chứng táo bón.
  • Massage bụng: dùng tay xoa nhẹ bụng, di chuyển theo chiều kim đồng hồ từ hố chậu phải hướng lên trên sang trái rồi xuống dưới như cấu trúc của đại tràng. Động tác này sẽ giúp kích thích ruột tránh táo bón.

Cách trị táo bón ngay lập tức tại nhà massage bụng

Uống 1 ly nước ấm

Nước ấm sẽ giúp khởi động quá trình co bóp ở ruột, vì vậy mỗi sáng thức dậy, bạn nên uống 1 ly nước ấm. Quá trình này góp phần kích thích ruột nhanh chóng đẩy các chất thải xuống trực tràng nhanh hơn. Từ đó hạn chế tình trạng táo bón hiệu quả hơn.

Sử dụng thuốc nhuận tràng

Đây là phương pháp điều trị táo bón được lựa chọn sau cùng, khi các phương pháp điều chỉnh lối sống, ăn uống, sinh hoạt không còn hiệu quả. Hoặc sử dụng trong những trường hợp táo bón cấp tính.

Các thuốc nhuận tràng có thể làm tăng nhu co bóp cơ trơn ruột, trực tràng, làm đẩy phân tống xuất ra khỏi đường ruột nhanh chóng. Đồng thời uống thuốc nhuận tràng cũng gây ra đau bụng, khó chịu cho bệnh nhân. Do đó, người bệnh nên dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Lưu ý, không được dùng bất kỳ loại thuốc điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh.

Cách trị táo bón hiệu quả lâu dài

Thay đổi chế độ ăn uống

Cách trị táo bón hiệu quả lâu dài

Táo bón đa phần xuất phát từ chế độ ăn mất cân bằng. Do ăn uống thiếu chất xơ, chất đạm, dư thừa chất béo và uống ít nước. Chất xơ làm giảm khối lượng phân, phân tạo ra ít hơn, do đó giảm tần suất đi đại tiện hằng ngày. Sau một thời gian, hệ tiêu hóa quen với chế độ ăn uống này, khả năng táo bón ngày càng tăng lên.

Khi uống ít nước cũng giảm giảm thể tích phân, theo hướng là phân cô đặc, cứng, giảm số lần đi tiêu. Khi đi đại tiện thường đau rát hậu môn, phải rặn mới đi được… gây khó khăn cho người bệnh. Một số người còn muốn nhịn đi vệ sinh để giảm bớt sự khó chịu này. Do đó bệnh táo bón ngày càng nặng thêm.

Như vậy, để điều trị bệnh táo bón lâu dài, hiệu quả, bạn cần điều chỉnh từ chế độ ăn uống của mình. Tăng cường chất xơ, cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày (tối thiểu 2 lít nước/ngày). Tăng cường chế độ ăn uống nhiều rau xanh và trái cây, bao gồm cả các loại nước ép trái cây; ngũ cốc nguyên cám, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp; không ăn các loại quả xanh chát; không uống nước ngọt đóng chai, không ăn/uống thực phẩm nhiều đường, không uống rượu, bia…

Dùng thuốc hỗ trợ điều trị

Cách trị táo bón hiệu quả bằng thuốc

Việc dùng thuốc nên có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Các loại thuốc điều trị táo bón phổ biến như:

  • Thuốc nhuận tràng tạo khối: là phương pháp điều trị đầu tay cho hầu hết bệnh nhân bị táo bón. Thuốc nhuận tràng dạng khối rất nhẹ nhàng, an toàn và hiệu quả.  Các thuốc nhuận tràng tạo khối phổ biến bao gồm: Psyllium, polycarbophil và methylcellulose.
  • Thuốc làm mềm phân: bản chất là chất hoạt động bề mặt, giúp kéo nước vào phân và bao bọc bề mặt của phân với một lớp dầu làm cho phân mềm hơn và dễ dàng đi ngoài. Thuốc làm mềm phân rất an toàn và nhẹ nhàng. Thuốc hiện được sử dụng nhiều nhất là Docusate
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: có cơ chế kéo nước ra khỏi các mô ruột kết xung quanh, làm mềm phân, bổ sung khối lượng và bôi trơn ruột kết. Một số loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu là: Muối nhuận tràng (muối Mg2+, Na+..), lactoluse, sorbitol, glycerin và polyethylene glycol (PEG3350).
  • Thuốc nhuận tràng kích thích: có cơ chế gây kích thích ruột buộc các cơ đại tràng co bóp mạnh hơn. Thuốc phù hợp cho những bệnh nhân bị táo bón do các cơ ruột kết không hoạt động nhiều như bình thường. Thuốc nhuận tràng kích thích bao gồm các dẫn xuất diphenylmethane như bisacodyl, natri picosulfate, và các anthraquinon tự nhiên, như senna…

Lời kết

Trên đây là toàn bộ thông tin cần biết về bệnh Táo bón do nhà thuốc Vivita đã tổng hợp gửi đến quý bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc, hãy để lại bình luận bên dưới để được chuyên viên hỗ trợ giải đáp.

Dược sĩ Ngọc Trúc

Dược sĩ Ngọc Trúc

Đã kiểm duyệt nội dung

Xem thông tin

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)