#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Viêm Bao Hoạt Dịch Ngón Chân Cái Và Những Điều Cần Biết

Phòng Và Trị Bệnh

Bao hoạt dịch bảo vệ cấu trúc xương, giúp hấp thụ sốc và đảm bảo các khớp cơ chuyển động nhịp nhàng. Tuy nhiên, tình trạng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái lại dễ dàng xảy ra hơn bao giờ hết và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Vì vậy, qua bài viết dưới đây, Vivita sẽ giúp bạn trang bị những thông tin hữu ích để có thể chủ động hơn khi gặp phải vấn đề xương khớp này.

QC

Tổng quan về tình trạng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Nhờ các thành phần collagen và protein, tế bào trong bao hoạt dịch ngón chân cái hoạt động như một chất bôi trơn giúp giảm ma sát giữa xương, cơ, gân và da. Ngoài ra, bao hoạt dịch còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn áp lực từ gân và dây chằng đi qua xương.

Nguyên nhân gây ra viêm bao hoạt dịch ngón chân cái chủ yếu là do những áp lực chèn ép và cọ xát bên ngoài. Nếu không được chăm sóc và điều trị kỹ lưỡng, viêm bao hoạt dịch sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài:

  • Chuyển động khó khăn: khi di chuyển gân và cơ ở ổ viêm sẽ gây ra nhiều cơn đau và cảm giác khó chịu kéo dài, có thể hình thành chứng rối loạn cảm giác. Đồng thời, phạm vi xung quanh ngón chân cái cũng dễ bị kích ứng và sưng tấy. 
  • Hỏng khớp không phục hồi: vai trò của bao hoạt dịch là làm giảm ma sát nên khi chúng bị viêm nhiễm, các cơ, gân và khớp ngón chân cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Dần dần, khớp ngón cái trở nên yếu đi và teo cơ do bị giới hạn vận động trong thời gian dài.

Vì vậy, viêm bao hoạt dịch ngón chân cái cần được điều trị càng sớm càng tốt để giảm thiểu tổn thương và tránh các biến chứng về cơ xương khớp sau này.

Nguyên nhân dẫn đến viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Tổn thương do nhiễm khuẩn, va chạm hoặc vận động quá nhiều

Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái là tình trạng khá phổ biến ở các vận động viên và những người thường xuyên vận động nhiều vì các lý do dưới đây:

  • Chạy, nhảy hoặc đi, đứng liên tục tạo nhiều áp lực lên ngón chân cái. 
  • Mang giày chật và không có đệm giày thích hợp có thể gây ra tổn thương và chèn ép trực tiếp lên bao hoạt dịch.
  • Các tai nạn té, ngã, bong gân, va chạm mạnh vào ngón chân cái làm bao hoạt dịch bị chấn động đột ngột.
  • Bắt đầu một bài tập thể dục hoặc chơi thể thao mà không khởi động đúng cách.
  • Có vết thương hở hoặc mụn nước ở ngón chân cái khiến bao hoạt dịch dễ bị nhiễm trùng do lượng vi khuẩn xâm nhập tăng cao.
Mang giày quá chật là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm bao hoạt dịch ngón chân cái.
Mang giày quá chật là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm bao hoạt dịch.

Tuổi tác và các bệnh lý nền

Khi con người già đi, bao hoạt dịch bị mất tính đàn hồi và các cơ, khớp cọ xát liên tục vào nhau. Vì vậy, có khoảng 70% trường hợp viêm bao hoạt dịch ngón chân cái xảy ra ở người trên 40 tuổi. 

Đồng thời, những người béo phì, mắc bệnh tiểu đường, nghiện rượu, một số bệnh về thận và có hệ thống miễn dịch kém càng có nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch cao hơn.

Có vấn đề về cấu trúc xương hoặc khớp

Các vấn đề trong cấu trúc xương khớp cũng là yếu tố tạo ra áp lực lâu dài lên bao hoạt dịch. Ngón chân cái dễ bị chấn thương và tạo phản ứng viêm nếu khung xương có các tình trạng sau đây:

  • Cấu trúc của khớp bàn chân bất thường như có vòm chân quá cao hoặc bàn chân bẹt.
  • Sở hữu dáng đi không đều gây nhiều áp lực lâu dài lên bàn chân.
  • Bị viêm khớp, bệnh gout, u xương ngón chân cái,…

Nhận biết các triệu chứng của viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Viêm bao hoạt dịch ngón chân thường có các triệu chứng chủ yếu thể hiện qua cơn đau.
Viêm bao hoạt dịch ngón thường có các triệu chứng chủ yếu thể hiện qua cơn đau.
  • Đau nhói và sưng tấy do sự tích tụ của lượng dịch dư thừa là triệu chứng chính của viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
  • Cảm giác đau có thể lan rộng ra phạm vi cả bàn chân gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
  • Phần sưng phồng ở ngón chân cái có thể bầm tím, nổi phát ban đỏ và mềm, nóng khi chạm vào.
  • Đau nhức dữ dội bàn chân và khó khăn khi đứng, đi hoặc kiễng chân do khớp bị khô cứng.
  • Phát ra âm thanh lạo xạo khi thực hiện co duỗi ngón chân cái.
  • Đối với trường hợp viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn, bệnh nhân còn có các triệu chứng như dễ choáng váng, sốt, buồn nôn và ớn lạnh.

Các kỹ thuật chẩn đoán để có biện pháp điều trị phù hợp 

Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái có thể có các triệu chứng tương tự như viêm gân, viêm khớp, bong gân, trật khớp,… Vì vậy, để loại trừ các tình trạng và chẩn đoán chính xác, bác sĩ chuyên khoa sẽ phải thực hiện kiểm tra như sau:

  • Sờ và nắn tại khu vực ngón chân cái bị sưng đỏ: để kiểm tra các triệu chứng cơ bản và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
  • Xét nghiệm máu và dịch khớp: giúp xác định nguyên nhân viêm nhiễm và tránh nhầm lẫn với các bệnh lý như thoái hóa khớp, thấp khớp. 
  • Chụp X-quang: là phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh phổ biến nhất đối với bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch. Cách này thể hiện rõ hình ảnh của mô và màng bao hoạt dịch để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
  • Chụp MRI hoặc CT: cung cấp hình ảnh cắt ngang của xương cũng như lượng dịch tích tụ trong ổ viêm. Qua đó hỗ trợ phân biệt được tình trạng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái hay là viêm khớp, u xương.

Những cách thức điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Lựa chọn cách điều trị viêm bao hoạt dịch phù hợp để cơ xương khớp không bị ảnh hưởng sau này.
Lựa chọn cách điều trị viêm bao hoạt dịch phù hợp để cơ xương khớp không bị ảnh hưởng sau này.

Sử dụng thuốc 

Người bệnh cần tham khảo ý kiến và dùng thuốc theo đơn được kê từ bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Các loại thuốc giảm đau và chống viêm được dùng trong việc điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái khá phổ biến và có mức phí phù hợp:

  • Thuốc giảm đau nhức xương khớp có độ an toàn và phổ biến cao như Paracetamol, Lidocaine, Menthol, Methyl salicylate,… Những loại này còn có tác dụng giảm thiểu các phản ứng viêm, hạn chế cứng khớp, tăng lưu thông máu giúp tan vết bầm,… 
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng hiệu quả với các cơn đau, cải thiện tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy và đặc biệt phù hợp với những người bị lờn thuốc Paracetamol.
  • Riêng trường hợp viêm bao hoạt dịch ngón chân cái do nhiễm trùng: cần được điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Chọc hút bao hoạt dịch

Cách thức chọc hút dịch bằng kim tiêm sẽ áp dụng khi bệnh nhân không điều trị kịp thời và dẫn tới các biến chứng:

  • Ổ viêm hoạt dịch chuyển biến nặng và gây mất thẩm mỹ do có kích thước lớn. 
  • Chức năng vận động khớp ngón chân cái bị ảnh hưởng do chèn ép thần kinh.
  • Có dấu hiệu nhiễm khuẩn, các triệu chứng đau và viêm phản ứng dữ dội gây nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt.

Bác sĩ thực hiện kỹ thuật này sẽ sử dụng một kim tiêm và ống tiêm vô trùng để hút chất dịch dư thừa từ bao. Việc ngăn không cho bao hoạt dịch bị rách là ưu tiên hàng đầu, vì nếu dịch khớp chảy ra ngoài, bao hoạt dịch sẽ không còn khả năng đệm cho gân và xương.

Tiêm corticoid

Thủ thuật tiêm corticoid phải được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn cao để tránh các tác dụng phụ. Cách điều trị này có thể làm giảm nhanh chóng tình trạng viêm và chỉ được dùng khi:

  • Người bệnh đã sử dụng thuốc đều đặn và chọc hút bao hoạt dịch nhưng không có tiến triển.
  • Sau khi hút dịch, tại vị trí chọc dò có hiện tượng chảy dịch, viêm tấy và bệnh nhân có thể bị sốt.
  • Tình trạng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái tái phát nhiều lần.

Kết hợp dưỡng bệnh tại nhà

Trong quá trình điều trị, người bệnh không nên chủ quan để tránh làm tình trạng viêm bao hoạt dịch càng trầm trọng thêm. Thay vào đó, việc cần thiết nhất là dành thời gian nghỉ ngơi bằng những cách được Vivita gợi ý dưới đây:

  • Tạm thời ngưng hoạt động để tránh các cơn đau tái phát và giúp ngón chân cái không phải chịu áp lực.
  • Nâng cao chân và xoa bóp các vùng xung quanh tăng cường tuần hoàn máu.
  • Chườm đá lạnh là biện pháp cơ bản hỗ trợ giảm đau, sưng tấy tốt nhất.
  • Sử dụng miếng silicon hoặc nẹp chuyên dụng giảm viêm và định hình ngón chân cái.
Dùng các loại nẹp để tránh va chạm áp lực bên ngoài với bao hoạt dịch bị viêm.
Dùng các loại nẹp để tránh va chạm áp lực bên ngoài với bao hoạt dịch bị viêm.

Cách để phòng ngừa và tránh tái phát viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái có thể tái phát trở lại và xảy ra với bất kỳ ai. Vì vậy, mọi người nên ghi nhớ “phòng bệnh hơn trị bệnh” và tuân theo các quy tắc dưới đây để ngăn chặn được tình trạng này:

  • Bổ sung các thực phẩm giàu canxi giúp nuôi dưỡng sụn khớp cho xương khớp chắc khỏe, chịu được áp lực trọng lượng.
  • Dành thời gian cho việc khởi động kỹ lưỡng trước những buổi vận động.
  • Mang giày vừa vặn, hạn chế mang giày cao gót, giày mũi nhọn và tránh đi chân trần.
  • Giữ cân nặng hợp lý để giảm bớt áp lực lên bàn chân và cả các khớp gối.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách làm sạch các vết cắt khóe, mụn nước, rộp da.
  • Sử dụng đệm lót thoải mái cho bàn chân khi tính chất công việc bắt buộc phải đi, đứng trong thời gian dài. 
  • Tạo thói quen tập thể dục hằng ngày để tăng cường sức mạnh cơ bắp, duy trì sự linh hoạt của cơ và gân sẽ giúp giảm căng thẳng lên bàn chân.

Bên cạnh những ảnh hưởng trong đời sống sinh hoạt, viêm bao hoạt dịch ngón chân cái còn có thể dẫn đến các biến chứng về cơ xương khớp. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ dễ dàng cải thiện trong vòng khoảng ba đến sáu tuần khi người bệnh tuân thủ theo hướng điều trị thích hợp. Hy vọng những thông tin trên của Vivita sẽ giúp bạn có định hướng đúng đắn trong điều trị cũng như phòng ngừa viêm bao hoạt dịch ngón chân cái.

[Xem thêm]: Trật Khớp Ngón Chân Cái Nguy Hiểm Không Và Cách Phòng Tránh

Dược sĩ Ngọc Trúc

Dược sĩ Ngọc Trúc

Đã kiểm duyệt nội dung

Xem thông tin

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)