Triệu Chứng Rối Loạn Lo Âu Và Cách Điều Trị Không Dùng Thuốc
Xem nhanh nội dung bài viết
Triệu chứng Rối Loạn Lo Âu không phải là một trạng thái lo âu bình thường của con người. Đó là bệnh lý khiến con người trở nên ám ảnh và dày vò với các nỗi sợ hãi quá mức. Dù là những tình huống đơn giản cũng có thể khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng, bất an.
Những người mắc phải hội chứng này thường sẽ không hiểu rõ nguyên nhân, nhưng cũng không có cách nào tự mình thoát ra được. Đa phần những người mắc phải loại rối loạn này là nữ giới và không giới hạn độ tuổi.
Rối Loạn Lo Âu là Gì? Các loại rối loạn lo âu thường gặp
Khái niệm
Rối loạn lo âu là một loại rối loạn cảm xúc đặc trưng, những người có triệu chứng này luôn cảm thấy lo sợ, khó chịu mơ hồ. Đồng thời đi kèm các triệu chứng thần kinh như đau đầu, hồi hộp, vã mồ hôi, siết chặt ở ngực, khô miệng, bứt rứt không thể làm gì hay ngồi yên một chỗ.
5 Loại Rối Loạn Lo Âu
Rối loạn lo âu lan tỏa
Triệu chứng này còn gọi là rối loạn lo âu toàn thể. Biểu hiện là lúc nào cũng lo âu, lo lắng quá mức trong nhiều việc. Sự lo âu này khiến bản thân khó kiểm soát, kèm theo các triệu chứng cơ thể như căng thẳng cơ, bực tức, khó ngủ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày của họ.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Biểu hiện của dạng lo âu này là những suy nghĩ tuy không muốn nhưng vẫn cứ lặp đi lặp lại trong đầu, hay các hành động lặp đi lặp lại dù không hề muốn thực hiện.
Thường các hành vi cưỡng chế như: rửa tay, kiểm tra, đếm, lau dọn. Ví dụ, người bệnh sợ bẩn tay, cảm thấy khó chịu trong người về việc tay bị bẩn, nên cứ rửa đi rửa lại nhiều lần, mục đích để thoát khỏi những lo lắng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện được được một thời gian ngắn thì rối lo lắng lại trở lại.
Một số trường hợp nặng hơn có thể kể đến như: người bệnh luôn cảm thấy có gì thôi thúc mình, nếu thấy dao sẽ thôi thúc mình đâm vào bản thân, ra ngoài đường lại bị thôi thúc lao vào ô tô đang chạy… đó là những triệu chứng rất nguy hiểm cho người bệnh.
Rối loạn hoảng sợ
Đây là một dạng rối loạn lo âu có biểu hiện là những lần hoảng sợ đến đột ngột và cứ lặp đi lặp lại. Trong cơn, bệnh nhân cảm thấy sợ hãi tột độ, run rẩy, đầu óc quay cuồng, đau ngực, vã mồ hôi, nghẹt thở. Họ nghĩ rằng phải đi cấp cứu ngay, nên thường những bệnh nhân dạng này phải cấp cứu thường xuyên.
Thường thì cơn hoảng sợ xảy ra ở địa điểm nào thì bệnh nhân sẽ bị ám ảnh chỗ đó, không dám tới lui vì sợ sẽ lên cơn hoảng loạn. Họ rất cần những người ở bên cạnh và bảo vệ họ.
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
Dạng này là dạng lo âu xảy ra khi người bệnh mắc sang chấn về tâm lý. Ví dụ như khi chứng kiến người thân bị tai nạn rồi mất đột ngột, bị bạo hành, cưỡng bức… Bệnh nhân thường sẽ cảm thấy như mình đang sống lại khoảnh khắc kinh hoàng đã xảy ra, trong giấc mơ cũng lặp đi lặp lại về nội dung sang chấn, hoặc tránh né khi có người nhắc tới.
Rối loạn lo âu xã hội
Rối loạn lo âu dạng này có các biểu hiện thường gặp như sợ nói trước đám đông, hay ăn uống cạnh người khác… Người bệnh có thể hoàn thành tốt công việc khi làm một mình, nhưng khi làm trước mặt người khác thì bị hồi hộp, run rẩy, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc.
Nguyên nhân
Nguyên nhân bị rối loạn lo âu thì khá nhiều và cũng khó nói chính xác. Tuy nhiên có một số yếu tố dễ khiến một người mắc rối loạn lo âu hơn người khác.
- Di truyền: Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra, cha mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc phải bệnh về tâm lý thì con cái sẽ có nguy cơ mắc phải triệu chứng này.
- Tâm lý: Tâm lý không vững từ nhỏ hay có tính cách dễ lo âu.
- Môi trường, xã hội: Bị stress kéo dài, từ những chuyện trong gia đình, môi trường sống, môi trường làm việc…
- Một số rối loạn về cơ thể có thể trực tiếp gây lo âu, bao gồm: Cường giáp, u tuỷ thượng thận, suy tim, loạn nhịp tim, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Các biểu hiện của rối loạn lo âu
Biểu hiện dễ thấy nhất của rối loạn lo âu là sợ hãi hay cứ lo lắng quá mức. Các triệu chứng cụ thể của người bệnh còn phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu đã kể trên. Các triệu chứng thường gặp là:
- Sợ hãi, hoảng loạn, cảm thấy không an toàn hay chắc chắn về một chuyện gì đó
- Khó ngủ, thường bị mơ về những chuyện suy nghĩ quá mức
- Không thể giữ bình tĩnh hay đứng yên một chỗ
- Khó thở hoặc thở gấp, tim đập nhanh
- Khô miệng, chóng mặt và buồn nôn
- Lạnh và toát mồ hôi nhiều, tê hoặc ngứa ran tay chân, bị cứng các cơ
- Khả năng tập trung suy giảm, cứ ám ảnh suy nghĩ về một vấn đề
- Một vài hành vi đặc trưng như rửa tay, kiểm tra khóa cửa… quá nhiều lần
Cách điều trị rối loạn lo âu không dùng thuốc tại nhà
Tập các bài tập trị rối loạn lo lâu tại nhà
Người bệnh hãy dành 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể thao như yoga, thiền, chạy bộ, đạp xe… việc này giúp tinh thần thoải mái, gần gũi với thiên nhiên là một hiệu pháp rất tốt để chữa lành. Ngoài ra, những hoạt động này còn giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, sức khoẻ dẻo dai.
Học cách chia sẻ những khó khăn, khúc mắc, buồn vui trong cuộc sống cho những người thân yêu và bản thân tin tưởng nhất. Đồng thời tham gia các câu lạc bộ, hoạt động tập thể, thiện nguyện để giúp cơ thể hoạt động linh hoạt hơn, đồng thời mở rộng các mối quan hệ xã hội.
Điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt
Hãy thiết lập cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn đủ 3 bữa chính một ngày, bổ sung nhiều rau xanh, vitamin và khoáng chất. Ăn uống lành mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại những căng thẳng trong cuộc sống.
Đặc biệt, tránh xa các chất kích thích, hạn chế những loại thức uống như rượu, bia, thuốc lá… những thứ này không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là cho những bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, họ có thể sẽ lạm dụng chúng.
Sắp xếp thời gian một cách hợp lý trong ngày nhằm cân bằng giữa việc học tập, làm việc và nghỉ ngơi. Đừng làm việc quá sức để hạn chế áp lực, căng thẳng.
Dùng tinh dầu có hương thơm thư giãn
Sử dụng tinh dầu phù hợp sẽ giúp người bệnh thấy thư giãn, đặc biệt là chúng hỗ trợ rất nhiều trong giấc ngủ. Nếu sống trong một môi trường ngột ngạt, sẽ khiến người bệnh khó chịu, lâu dần kéo theo những triệu chứng nặng hơn.
Dùng các loại trà thảo dược
Điều trị rối loạn lo âu bằng trà thảo dược tự nhiên hiện đang là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Bởi các loại thảo dược tự nhiên đều mang lại nhiều hiệu quả, an toàn mà lại không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào.
Một số loại trà thảo dược xoa dịu phải kể đến như trà hoa cúc, bạc hà, bồ công anh, lạc tiên, hoan bì, nữ lang… Tuy nhiên, sử dụng trà thảo dược cũng cần kết hợp các hoạt động kể trên, nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.
Giải đáp một số câu hỏi thường gặp
Rối loạn lo âu có tự khỏi?
Theo các chuyên gia tâm lý thì Rối loạn lo âu không thể tự khỏi được. Bệnh này cần phải áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau tùy mức độ nặng nhẹ. Nhưng đa phần những người bị rối loạn lo âu cần phải điều trị trong thời gian dài mới phục hồi lại trạng thái bình thường.
Nếu có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, còn nhẹ thì thời gian chữa bệnh sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, khi các triệu chứng lo âu khi đã ở mức nghiêm trọng thì đòi hỏi người bệnh phải kiên trì áp dụng nhiều phương pháp chữa bệnh trong thời gian dài.
Bệnh lý này có trị được không?
Như đã liệt kê các phương pháp điều trị rối loạn lo âu ở trên thì bệnh này có thể trị được. Tuỳ vào mức độ nặng nhẹ và sự kiên trì của bệnh nhân, thì thời gian và quá trình có thể nhanh hoặc chậm hơn.
Do đó, người bệnh đừng lo lắng quá. Giữ tinh thần thoải mái, thực hiện những hoạt động lành mạnh mà bản thân thấy thích. Đừng làm việc quá sức, hãy cân bằng thời gian trong cuộc sống để cơ thể có thể tự chữa lành nhé.
Khi nào người bệnh rối loạn lo âu cần thăm khám bác sĩ?
Như đã chia sẻ, rối loạn lo âu có thể sẽ rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời. Bệnh này sẽ để lại nhiều di chứng và ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh. Do đó, khi nhận thấy bất cứ một dấu hiệu, triệu chứng nào của bệnh rối loạn lo âu đã liệt kệ ở trên, người bệnh nên chủ động đi khám với các bác sĩ tại các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy.
Đôi khi người bệnh sẽ khó phân biệt được lo âu trong cuộc sống và lo âu bệnh lý, chúng có thể khiến họ nhầm lẫn. Khi đó rất cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có những biện pháp trị liệu kịp thời.
Tổng kết
Trên đây là những chia sẻ về Triệu chứng Rối Loạn Lo Âu và Những Cách Điều Trị không dùng Thuốc mà Vivita đã nghiên cứu. Biến chứng của triệu chứng này có thể trở thành những bệnh lý nguy hiểm như suy nhược cơ thể, trầm cảm, bệnh lý tim mạch, huyết áp, rối loạn tiêu hóa, suy giảm khả năng tình dục, khả năng tự duy dần bị mất. Một số người nặng hơn có thể xuất hiện suy nghĩ muốn tự sát và hành hạ cơ thể đau đớn.
Rối loạn lo âu ảnh hưởng rất nghiệm trọng đến công việc, mối quan hệ và xã hội. Do đó, đôi khi hãy tự nhìn lại bản thân mình và lắng nghe cơ thể, đó rất có thể là một triệu chứng của bệnh lý rối loạn lo âu. Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn đọc nhìn nhận rõ hơn về độ nguy hiểm cũng như mức độ phổ biến của căn bệnh này. Tập thói quen sống lành mạnh và gần gũi với thiên nhiên cũng là một hiệu pháp rất hiệu quả mà nhiều người đang áp dụng.