#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp mới nhất

Cơ Xương Khớp

Bệnh viêm khớp dạng thấp được xem là một trong những căn bệnh xương khớp nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng khôn lường. Nhẹ thì tê mỏi chân tay, thoái hóa khớp, đau nhức, ê buốt, suy thận, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch… nặng hơn có thể dẫn đến teo cơ, bại liệt, tàn tật suốt đời.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô trong chính cơ thể.

Bệnh gây viêm (đỏ, sưng) dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp, phần lớn là khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối. Viêm khớp dạng thấp không chỉ phá hủy làm tổn thương đến hệ khớp của còn thể mà có thể làm tổn thương đến cả hệ thống cơ thể bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu.

QC

Chẩn đoán lâm sàng bệnh viêm khớp dạng thấp

Chẩn đoán lâm sàng là cách nhận biết bệnh thông qua sự quan sát bên ngoài, các dấu hiệu bất thường được  thể hiện trên cơ thể. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm khớp dạng thấp thường là xuất hiện những cơn đau nhức ở khớp nên người bệnh dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác.

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp là những căn cứ, nhằm chẩn đoán và xác định tình trạng bệnh của bệnh nhân. Hiện nay, trong y khoa có 2 tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuỳ thuộc vào thời gian phát bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán thích hợp nhất.

Tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp mới nhất

tieu-chuan-viem-khop-dang-thap-moi-nhat
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu Âu 2010 là tiêu chuẩn mới nhất

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu Âu 2010 là tiêu chuẩn mới nhất, có thể áp dụng cho những trường hợp bệnh đang ở giai đoạn sớm, mới phát triển, các khớp dưới 6 tuần, viêm ít khớp.

Biểu hiện tại khớp

– Viêm 1 khớp lớn ⇒ 0 điểm

– Viêm 2 -10 khớp lớn ⇒ 1 điểm

– Viêm 1 – 3 khớp nhỏ (có hoặc không có biểu hiện tại các khớp lớn) ⇒ 2 điểm

– Viêm 4-10 khớp nhỏ (có hoặc không có biểu hiện tại các khớp lớn) ⇒ 3 điểm

– Viêm >10 khớp (ít nhất phải có 1 khớp nhỏ) ⇒ 5 điểm

Xét nghiệm huyết thanh (ít nhất phải làm một xét nghiệm)

– RF âm tính và Anti CCP âm tính ⇒ 0 điểm

– RF dương tính thấp hoặc Anti CCP dương tính thấp ⇒ 2 điểm

– RF dương tính cao hoặc Anti CCP dương tính cao ⇒ 3 điểm

Xét nghiệm các yếu tố phản ứng pha cấp (phải làm ít nhất 1 xét nghiệm huyết thanh)

– CRP bình thường và tốc độ lắng máu bình thường ⇒ 0 điểm

– CRP tăng hoặc tốc độ lắng máu tăng ⇒ 1 điểm

Thời gian biểu hiện triệu chứng

– Dưới 6 tuần ⇒ 0 điểm

– Từ 6 tuần trở lên ⇒ 1 điểm

Chẩn đoán xác định: khi số điểm ≥ 6/10

– Dương tính thấp khi ≤ 3 lần giới hạn cao của bình thường

– Dương tính cao khi > 3 lần giới hạn cao của bình thường

Lưu ý: Với tiêu chuẩn này, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên và đánh giá lại chẩn đoán. Có thể đây là biểu hiện sớm của một bệnh lý về khớp nào đó không phải viêm khớp dạng thấp.

Tiêu chuẩn Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987

tieu-chuan-viem-khop-dang-thap-moi-nhat
Tiêu chuẩn Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ 1987 được áp dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam. Tiêu chuẩn này thường được áp dụng đối với những trường hợp bệnh biểu hiện ở nhiều khớp, thời gian diễn biến hơn 6 tuần.

  • Cứng khớp: Biểu hiện này thường xuất hiện vào sáng sớm khi thức dậy, tình trạng này thường kéo dài hơn 1 giờ. Đây là triệu chứng giúp bác sĩ đánh giá mức độ của bệnh thông qua thời gian cứng khớp lúc sáng sớm.
  • Viêm tối thiểu ba nhóm khớp: Tại các khớp sẽ xuất hiện sưng phần mềm hoặc là tràn dịch tối thiểu 3 trong nhóm khớp sau
    • Khớp ngón gần bàn tay
    • Khớp bàn ngón tay
    • Khớp cổ tay
    • Khớp khuỷu
    • Khớp gối
    • Khớp cổ chân
    • Khớp bàn ngón chân
  • Viêm khớp ở bàn tay: Xuất hiện tình trạng sưng tối thiểu 1 trong số các khớp sau:
    • Khớp cổ tay
    • Khớp ngón gần
    • Khớp bàn ngón tay
  • Hiện tượng viêm đối xứng ở các khớp: Đây là triệu chứng lâm sàng và đặc trưng nhất của bệnh, nếu người bệnh bị viêm ở cổ tay trái thì cổ tay phải cũng vậy.
  • Hạt dưới da: nổi ban đỏ ở lòng bàn chân, lòng bàn tay.
  • Yếu tố dạng thấp dương tính: Khi tiến hành xét nghiệm huyết thanh sẽ cho ra dương tính yếu tố dạng thấp.
  • Dấu hiệu X quang điển hình: Chụp khớp tại bàn tay, cổ tay hoặc khớp tổn thương có hình bào mòn, hình hốc, hình khuyết đầu xương, hẹp khe khớp, mất chất khoáng đầu xương.

Để việc chẩn đoán mang lại kết quả chính xác hơn, bên cạnh các dấu hiệu trên người bệnh cũng nên chú ý một số biểu hiện như mệt mỏi, da xanh xao, thiếu máu, đôi khi bị sốt.

Nếu chẩn đoán lâm sàng xác định có nhiều hơn 4 tiêu chuẩn trên và 4 tiêu chuẩn đầu đã diễn tiến được hơn 6 tuần thì rất có thể bạn đã bị viêm khớp dạng thấp. Lúc này nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán chính xác.

Các dấu hiệu trên khá giống với một số bệnh lý về xương khớp khác nên chẩn đoán lâm sàng chỉ mang tính tương đối, không thể hoàn toàn chính xác. Để quá trình chẩn đoán mang lại kết quả chính xác nhất, cần phải tiến hành chẩn đoán cận lâm sàng.

Chẩn đoán cận lâm sàng bệnh viêm khớp dạng thấp

Chẩn đoán cận lâm sàng giúp phát hiện bệnh thông qua việc tiến hành các xét nghiệm. Bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định bạn tiến hành các xét nghiệm dưới đây:

Thực hiện một số xét nghiệm cơ bản: Các xét nghiệm này có tác dụng làm cơ sở để chỉ định một số xét nghiệm khác. Một số xét nghiệm cơ bản cần tiến hành là:

  • Xét nghiệm độ lắng máu
  • Xét nghiệm tế bào ngoại vi
  • Xét nghiệm chức năng gan, phổi
  • Đo điện tâm đồ
  • Xét nghiệm protein phản ứng C

Chụp X – Quang: Bác sĩ sẽ tiến hành chụp X- quang ở một số vị trí xương khớp dễ bị viêm khớp dạng thấp nhất, điển hình là bàn tay và một số khớp đang bị thương. Dựa trên hình ảnh chụp được việc chẩn đoán bệnh sẽ dễ dàng hơn.

Xét nghiệm RF: Xét nghiệm này giúp phát hiện các kháng thể dạng tháp bên trong máu, nếu kháng thể này lớn hơn 4 thì người bệnh đang bị viêm khớp dạng thấp.

Xét nghiệm Anti CCP: Khi người bệnh có dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng kết quả xét nghiệm RF là âm tính, bác sĩ sẽ bắt buộc bệnh nhân tiến hành xét nghiệm Anti CCP. Xét nghiệm này giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn về bệnh viêm đa khớp dạng thấp.

Tuy nhiên, xét nghiệm này không được khuyến cáo để sử dụng như xét nghiệm mang tính sàng lọc.

Trên đây là các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp mới nhất, thường được áp dụng trong y khoa. Viêm khớp dạng thấp nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như tàn tật, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Bạn cần nhanh chóng phát hiện để tiến hành điều trị tích cực.

Dược sĩ Ngọc Trúc

Dược sĩ Ngọc Trúc

Đã kiểm duyệt nội dung

Xem thông tin

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)