#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Mẹ Bầu Ốm Nghén Không Ăn Được: Nguyên Nhân Và Bí Quyết Giúp Ăn Ngon   

Phòng Và Trị Bệnh

Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Đây là giai đoạn khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng vì tình trạng sức khỏe suy giảm và việc bổ sung dinh dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Mẹ bầu ốm nghén thường xuyên buồn nôn, nôn, mệt mỏi và ăn uống không ngon, xuất hiện cảm giác chán ăn. Nhiều mẹ lo lắng vì không ăn được sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và thai nhi.

Vậy nguyên nhân nào khiến mẹ bầu ốm nghén không ăn được? Điều này ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào? Và những bí quyết, thực phẩm tốt cho mẹ bầu ốm nghén, giúp mẹ bầu ăn ngon hơn sẽ được giải đáp cụ thể ở bài viết này.

QC

Tìm hiểu nguyên nhân khiến mẹ bầu ốm nghén không ăn được                                            

Hormon HCG tăng

Hormon HCG (Human chorionic gonadotropin) là hormon chỉ tiết ra vào lúc mang thai giúp bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi. Giai đoạn ốm nghén, nồng độ HCG trong cơ thể người mẹ sẽ tăng lên gấp đôi, dẫn đến chứng buồn nôn, nôn ói trầm trọng. Điều đó khiến mẹ bầu mất cảm giác ăn ngon và không muốn ăn.

Khứu giác của mẹ bầu nhạy cảm hơn

Trong quá trình mang thai, đặc biệt là giai đoạn ốm nghén, khứu giác mẹ bầu đặc biệt trở nên nhạy cảm hơn. Khi ngửi thấy mùi hương mạnh hoặc mùi lạ như: nước hoa, nước xả vải, xăng dầu, đồ ăn có nhiều gia vị… đều có thể khiến họ cảm thấy buồn nôn. Việc trở nên nhạy cảm hơn với mùi và thay đổi vị giác khiến mẹ bầu không có hứng thú với đồ ăn, thậm chí là những món ăn ưa thích trước đây. Cuối cùng là tình trạng kén ăn ngày càng nặng, thậm chí là không ăn được gì.

Hormon progesterone tác động đến quá trình tiêu hóa

Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ sản xuất lượng lớn hormon progesterone. Chúng làm giãn các cơ trơn tiêu hóa gây giảm nhu động đường tiêu hóa. Từ đó gây ra chứng khó tiêu, chướng bụng, táo bón. Cùng với đó, tiêu hóa chậm khiến cho thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản và gây ra cảm giác buồn nôn. Mẹ bầu sẽ luôn cảm giác khó chịu ở cổ họng, bụng chướng, khiến ăn không ngon. Trong trường hợp bị nặng sẽ tạo ra tâm lý kén ăn, không ăn được gì.

nguyen-nhan-om-nghen-khong-an-duoc
Trong thời gian mang thai, người mẹ thường xuyên cảm giác buồn nôn, ăn không ngon

Do các vấn đề tâm lý

Những thay đổi tâm lý của mẹ bầu bao gồm lo lắng và trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống và hấp thu chất dinh dưỡng trong thai kỳ. Đây là một nguyên nhân mà thường bị các mẹ bầu và người thân bỏ qua, dẫn đến tình trạng ốm nghén không được cải thiện. Thực tế, phụ nữ mang thai có thể dễ gặp các vấn đề về tâm lý. Họ thường có cảm giác lo lắng, suy nghĩ nhiều, dễ trầm cảm. Từ đó làm giảm thèm ăn, ăn không ngon, chán ăn.

Ốm nghén không ăn được ảnh hưởng như thế nào?

Ảnh hưởng đến mẹ

  • Không ăn được khiến mẹ bầu luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng, sụt cân nhiều dẫn đến tình trạng ốm nghén trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Cơ thể không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng nên sẽ dẫn đến thiếu chất và luôn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, sức khỏe suy yếu.
  • Trong trường hợp ốm nghén nặng, thường xuyên nôn ói dẫn đến tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải.

Ảnh hưởng đến thai nhi

  • Tình trạng ốm nghén không ăn được dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Trong trường hợp mẹ bầu bị nghén nặng kéo dài mà không có biện pháp can thiệp, chữa trị thì có nguy cơ gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như sinh non, trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng…
om-nghen-khong-an-duoc-anh-huong-den-su-phat-trien-cua-thai-nhi
Tình trạng ốm nghén không ăn được ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi

Bí quyết giúp mẹ bầu giảm tình trạng ốm nghén không ăn được

Để giảm tình trạng ốm nghén không ăn được và giúp mẹ bầu ăn ngon hơn nên áp dụng các biện pháp giúp hạn chế buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện vị giác được tốt hơn.

Chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày

Mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn từ 5-6 bữa/ngày và không nên để bụng đói. Mỗi bữa ăn không quá no để cơ thể vẫn có đầy đủ năng lượng mà lại không còn cảm giác nôn khó chịu nữa. Từ đó, tình trạng chán ăn cũng được cải thiện.

Mẹ bầu nên ăn chậm và từng ít một để quá trình tiêu hóa được tốt hơn, ăn uống ngon miệng hơn. Và đặc biệt không nên nằm thẳng ngay sau khi ăn. Vì điều này có thể gây áp lực lên dạ dày, khiến cảm giác buồn nôn trở nên nghiêm trọng hơn.          

meo-chua-nghen-cho-ba-bau-la-an-nhieu-bua-trong-ngay
Mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn từ 5-6 bữa trong ngày và không nên để bụng đói

Hạn chế các đồ ăn nặng mùi

Những đồ ăn nặng mùi (món chua, cay, được nêm nhiều gia vị) sẽ kích thích mẹ bầu cảm thấy buồn nôn. Từ đó khiến mẹ bầu chán ăn, không hứng thú với ăn uống. Nếu món nào gây ảnh hưởng đến vị giác của mẹ bầu thì hạn chế tiếp xúc để tránh làm nặng thêm tình trạng chán ăn. Một số             

Hạn chế đồ chiên, xào chứa nhiều chất béo

Các đồ ăn nhiều dầu mỡ thường khó tiêu hóa trong dạ dày. Do đó, những thực phẩm này khiến mẹ bầu thường cảm thấy bụng chướng khó chịu, ăn uống không ngon và gây ra tình trạng chán ăn. Ngoài ra, thức ăn chiên, xào chứa nhiều chất béo chuyển hóa không tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

Bổ sung thực phẩm chứa protein

Những đồ ăn chứa protein sẽ giúp mẹ bầu no lâu hơn, cung cấp nhiều năng lượng, giữ đường huyết ở mức ổn định từ đó giúp giảm cảm giác buồn nôn, khó chịu. Những thực phẩm giàu protein mẹ bầu có thể bổ sung là: thịt, trứng, sữa, đậu, nấm …

me-bau-om-nghen-nen-an-thuc-pham-giau-protein
Những thực phẩm giàu protein mẹ bầu có thể bổ sung là: thịt, trứng, sữa, các loại đậu, nấm…

Bổ sung thêm trái cây

Bổ sung trái cây vào thực đơn cho bà bầu bị ốm nghén giúp thay đổi khẩu vị và giúp ăn ngon hơn, cải thiện tình trạng chán ăn. Trái cây là nguồn cung cấp vitamin, chất xơ dồi dào giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe và hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa được tốt hơn. Một số trái cây tốt giúp giảm các triệu chứng ốm nghén và cải thiện vị giác cho mẹ bầu như: cam, chuối, lựu, táo, dâu tây, …

Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng khi bị ốm nghén

Căng thẳng, stress khiến cho tình trạng chán ăn giai đoạn ốm nghén càng trở nên tồi tệ hơn. Điều quan trọng là các mẹ bầu nên giữ tinh thần thoải mái, thư giãn. Tâm lý được cải thiện cũng tốt cho quá trình ăn uống, hấp thu chất dinh dưỡng cho mẹ bầu.

Một số thực phẩm giúp cải thiện ốm nghén, giúp mẹ bầu ăn ngon hơn

Gừng tươi giúp chữa nghén cho bà bầu

Gừng vừa là một vị thuốc vừa là gia vị thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Mẹ bầu có thể sử dụng gừng tươi giúp giảm buồn nôn và nôn mửa liên quan đến thai kỳ.

Mẹ bầu có thể sử dụng gừng ở dạng ăn tươi, pha nước hay ngậm kẹo gừng đều giúp giảm hẳn cảm giác buồn nôn và giúp mẹ bầu ăn uống ngon hơn, tiêu hóa tốt hơn.  

Sử dụng gừng làm nước uống là mẹo chữa nghén cho bà bầu hiệu quả và giúp mẹ bầu ăn uống ngon miệng hơn. Ví dụ như: trà gừng pha với vỏ quýt, nước mía gừng, nước lá tía tô pha với gừng tươi.

gung-giup-giam-om-nghen-khong-an-duoc
Sử dụng gừng làm nước uống là mẹo chữa nghén cho bà bầu hiệu quả và giúp mẹ bầu ăn uống ngon miệng hơn

Lá tía tô giúp giảm nôn nghén

Lá tía tô có vị cay, tính ấm, giúp giảm nôn nghén khi mang thai. Mẹ bầu có thể dùng lá tía tô chế biến thành các món ăn trong thực đơn hoặc pha nước uống hàng ngày.

la-tia-to-giup-giam-om-nghen-cho-ba-bau
Lá tía tô có vị cay, tính ấm, giúp giảm ốm nghén khi mang thai

Vỏ quất, quýt, cam giúp giảm nghén, hỗ trợ tiêu hóa

Vỏ quất, vỏ quýt, vỏ cam có tác dụng chống nôn rất tốt. Ngoài ra, còn hỗ trợ tiêu hóa, giảm tình trạng khó tiêu. Từ đó, mẹ bầu sẽ cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn, khắc phục được tình trạng ốm nghén không ăn được. Cách dùng có thể thái vỏ đem pha với nước sôi để uống hoặc ngửi trực tiếp.

vo-quyt-giup-giam-om-nghen-khong-an-duoc
Vỏ quất, quýt, cam giúp giảm ốm nghén, hỗ trợ tiêu hóa

Chanh tươi giúp giảm nôn nghén

Có nhiều cách sử dụng chanh giúp giảm nôn, hỗ trợ tiêu hóa, giúp mẹ bầu ăn uống ngon miệng hơn.

  • Ngửi chanh, vỏ chanh hoặc uống nước chanh là những giải pháp hữu hiệu giúp mẹ bầu giảm bớt cảm giác buồn nôn.
  • Pha chanh với mật ong trong nước ấm để uống vào buổi sáng hàng ngày giúp giảm buồn nôn. Ngoài ra, chanh mật ong kích thích gan sản xuất mật, hỗ trợ tiêu hóa, giúp cho mẹ bầu cảm giác ăn uống ngon miệng hơn.
  • Uống nước ép chanh táo giúp giảm nôn nghén, tăng khẩu vị và tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu. 
chanh-giup-giam-om-nghen-khong-an-duoc
Chanh giúp giảm nôn, hỗ trợ tiêu hóa, giúp mẹ bầu ăn uống ngon miệng hơn

Quả me giảm nôn nghén, cải thiện vị giác

Me có vị chua thanh, giúp giảm tình trạng nôn nghén, chán ăn cho phụ nữ mang thai. Trong trái me có khoảng 14% acid tartaric và lượng nhỏ acid malic giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện vị giác và tăng cảm giác thèm ăn. 

me-giup-me-bau-giam-om-nghen
Quả me có tác dụng giảm nôn nghén, cải thiện vị giác cho bà bầu ốm nghén không ăn được

Mách mẹ bầu các món ăn dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng ốm nghén 

Cháo ý dĩ

Hướng dẫn cách làm

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 15g ý dĩ, 100g gạo, 100g gừng tươi, 20g đường đỏ.
  • Đầu tiên, đem ý dĩ và gạo xay thành bột.
  • Cho ý dĩ, gạo, gừng giã nhỏ cho vào nồi, thêm nước, đun lửa nhỏ cho sôi kỹ. Đến khi cháo chín nhừ cho đường đỏ vào khuấy đều, đun đến sôi tiếp lại là được.

Cách dùng: ăn nóng, ngày 2 lần lúc đói. Mẹ bầu nên ăn liên tục trong 3 ngày.

Canh sườn lợn, sấu, bí xanh

Hướng dẫn cách làm

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 200g sườn lợn, 100g bí xanh, 5 quả sấu (50g).
  • Đầu tiên, đem sườn lợn rửa sạch chặt miếng ướp gia vị. Sấu cạo vỏ rửa sạch. Bí xanh bỏ vỏ, rửa sạch, thái miếng vừa ăn.
  • Xào sườn, sấu cho chín. Rồi cho tất cả vào nồi, thêm nước vừa đủ đun sôi kỹ. Khi sườn lợn đã nhừ, cho bí xanh vào đun đến khi sôi.

Cách dùng: Ngày ăn 2 lần lúc đói hoặc ăn với cơm. Bà bầu nên ăn liên tục trong 3 ngày.

Canh me cá trắm

Hướng dẫn cách làm

  • Chuẩn bị nguyên liệu: cá trắm cỏ 300g, 100g rau cải trắng, quả me, cà chua.
  • Trước hết đem cá rửa sạch, cắt khúc, ướp gia vị trong 20 phút. Quả me cạo vỏ ngoài, cà chua rửa sạch thái miếng, rau cải trắng rửa sạch thái nhỏ.
  • Cho cá, cà chua, dầu ăn vào nồi, nấu cho đến khi cà chua nhừ. Thêm nước vừa đủ, đun sôi rồi thả me vào, đun tiếp khi me chín thì cho tiếp rau cải trắng vào đảo đều, đun đến khi sôi.

Cách dùng: ăn lúc đói, ngày 1 lần, mẹ bầu nên ăn liên tục trong 3 – 5 ngày. 

Kết luận

Giai đoạn ốm nghén 3 tháng đầu, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, khứu giác trở nên nhạy cảm hơn dẫn đến cảm giác buồn nôn, ăn không ngon, tiêu hóa kém và chán ăn kéo dài. Nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng vì tình trạng sức khỏe suy giảm và việc bổ sung dinh dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Để giảm tình trạng ốm nghén không ăn được và giúp mẹ bầu ăn uống ngon hơn nên áp dụng các biện pháp giúp hạn chế buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện vị giác được tốt hơn.

Qua những chia sẻ của VIVITA.VN, hy vọng các mẹ bầu đã có những bí quyết giúp tiêu hóa tốt và ăn uống ngon miệng hơn trong giai đoạn ốm nghén. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn vui lòng bình luận bên dưới bài viết hoặc liên hệ hotline 1900 2061 để được các Dược sĩ giải đáp.

Dược sĩ Ngọc Trúc

Dược sĩ Ngọc Trúc

Đã kiểm duyệt nội dung

Xem thông tin

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)