#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Bệnh Tiểu Đường: Dấu Hiệu Báo Sớm Và Cách Phòng Ngừa

Tiểu Đường

Tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường hiện nay có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề. Việc phát hiện sớm để có hướng điều trị đúng giúp kiểm soát bệnh là vô cùng cần thiết. Dưới đây là thông tin tổng quan cũng như các triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn đầu và cách phòng ngừa bệnh.

QC

Tổng quan về bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay còn được gọi là đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với hormon insulin của tuyến tụy tiết ra. 

Đường (glucose) là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Chúng được chuyển hóa từ các loại thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày. Trong máu của con người luôn có hàm lượng glucose nhất định để đảm bảo việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động. 

Insulin là hormone giúp điều hòa đường trong máu và đảm bảo rằng nó luôn ở mức ổn định. Nếu không có insulin, đường sẽ tích tụ nhiều trong máu và dẫn đến bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu quá cao sẽ làm hỏng các tế bào và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh tiểu đường là gì
Lượng đường tích tụ nhiều trong máu quá cao có thể dẫn đến bệnh tiểu đường

Tiểu đường thường được phân loại thành 3 nhóm: 

Bệnh tiểu đường type 1

  • Tiểu đường type 1 thường hiếm gặp.
  • Nguyên nhân do tuyến tụy của cơ thể giảm hoặc không sản xuất insulin, dẫn đến không điều hòa được lượng đường trong máu. Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu chắc chắn về nguyên nhân chính xác nhưng các yếu tố di truyền, môi trường có thể đóng một vai trò nào đó.

Bệnh tiểu đường type 2: 

  • Bệnh tiểu đường type 2 là loại phổ biến nhất. 
  • Tuyến tụy của cơ thể vẫn tạo ra insulin nhưng không sử dụng chúng một cách hiệu quả. Các tế bào trong cơ thể đề kháng với insulin. Vì vậy thay vì di chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể thì đường sẽ tích tụ lại trong máu và về lâu dài sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Bệnh tiểu đường thai kỳ: 

Bệnh tiểu đường thai kỳ
Một số sản phụ có thể mắc tiểu đường thai kỳ
  • Nguyên nhân do các hormone nữ như estrogen, progesterone do nhau thai tạo ra tác động đến việc sản xuất insulin. Nếu tuyến tụy tạo ra không đủ insulin, lượng đường trong máu cao từ mẹ gây ra lượng đường trong máu cao ở em bé. Điều đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi nếu không được điều trị.
  • Tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp glucose 3 mẫu và không có ghi nhận về tiểu đường type 1, type 2 trước đó.
  • Trong hầu hết các trường hợp, bệnh này sẽ khỏi sau khi sinh con. Nhưng ngay cả khi khỏi bệnh thì những phụ nữ này và con của họ cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau này cao hơn.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Như đã đề cập ở trên, bệnh tiểu đường type 1 khá hiếm gặp. Chúng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh và có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường type 1 thì nên lưu ý nhiều hơn.

Tiểu đường type 2 có tỷ lệ phổ biến và thường gặp hơn, một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh như:

Tiểu đường type 2 có tỷ lệ phổ biến và thường gặp
Tiểu đường type 2 có tỷ lệ phổ biến và thường gặp
  • Người trên 45 tuổi
  • Béo phì hoặc thừa cân, cơ thể có quá nhiều mỡ thừa có thể làm tăng đề kháng insulin, tăng cao glucose trong máu và tăng nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ béo phì đang ngày càng gia tăng nên hiện nay nhiều trường hợp bệnh được phát hiện ở tuổi vị thành niên và người trẻ.
  • Người có lối sống thụ động, lười vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Người bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, gout… có nguy cơ cao hơn các đối tượng khác.
  • Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ 

Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gặp ở thai phụ trong các trường hợp sau:

  • Thai phụ thừa cân, béo phì hay tăng quá nhiều cân trong thời kỳ mang thai, tiền sử sinh con trên 4 kg
  • Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trong quá khứ cũng có nguy cơ mắc lại lần nữa trong lần mang thai tiếp theo
  • Gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường
  • Những phụ nữ trên 35 tuổi mang thai có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
Một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ
Một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ

Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tiểu đường

Triệu chứng của đái tháo đường type 1

Các triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 thường diễn tiến nhanh, có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần với các biểu hiện điển hình gồm:

  • Ăn nhiều nhưng sụt cân: do glucose không được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các tế bào trong cơ thể dẫn đến thiếu năng lượng, cơ thể sẽ diễn ra quá trình thoái hóa lipid, protid được dự trữ để tạo năng lượng. Vì vậy người bệnh đái tháo đường bị mất cơ, giảm mỡ và dẫn đến giảm cân nặng.
  • Cảm thấy đói và mệt: Nếu không có đủ insulin để chuyển hóa glucose cho tế bào, các cơ quan không nhận đủ năng lượng. Cơ thể phản ứng lại với sự thiếu hụt năng lượng ở các cơ quan này bằng các cơn đói dữ dội. Điều đó khiến bạn mệt mỏi hơn nhiều so với bình thường. 
  • Tầm nhìn giảm sút: Lượng đường trong máu cao sẽ phá hủy mao mạch ở đáy mắt dẫn tới xuất huyết, phù nề đặc biệt phù ở hoàng điểm sẽ làm giảm thị lực mặc dù trước đó bạn không bị các bệnh về mắt. Đường huyết cao còn khiến cho thủy tinh thể của mắt bị phồng lên, thay đổi hình dạng so với ban đầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn.
  • Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều: Máu được lọc qua thận để tạo thành nước tiểu. Lượng đường trong máu tăng cao sẽ làm giảm khả năng tái hấp thu của ống thận, khiến nước tiểu được tạo ra nhiều hơn. Người bệnh sẽ đi vệ sinh nhiều hơn bình thường. Khi đi tiểu nhiều gây ra tình tình trạng mất nước, bệnh nhân sẽ rất khát do đó sẽ cần uống nước, nhưng chính vì vậy lại càng đi tiểu nhiều hơn.
  • Khô miệng, ngứa da: Bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều hơn khiến cơ thể bị mất nước, làm cho vùng miệng cảm thấy bị khô. Đồng thời, da khô có thể khiến bệnh nhân bị ngứa.
Các triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường
Các triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường

Dấu hiệu của bệnh đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường type 2 thường diễn tiến mờ nhạt, âm thầm trong thời gian dài. Hầu hết bệnh nhân không gặp những triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn đầu một cách rõ ràng mà chỉ biểu hiện rõ khi bệnh đã trở nên trầm trọng. Vì, nên lưu ý các biểu hiện không điển hình để có thể chẩn đoán bệnh sớm, như:

  • Nhiễm trùng nấm men: glucose là nguồn năng lượng của các loại nấm men, khi glucose máu cao sẽ khiến nấm phát triển mạnh. Tình trạng nhiễm trùng bề mặt thường kéo dài và tái phát như nhiễm trùng da, nhiễm trùng tiểu, viêm nhiễm trùng hô hấp trên, viêm nhiễm vùng sinh dục, ngứa hậu môn,…
  • Vết thương chậm lành: đường huyết cao có thể sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu của toàn bộ cơ thể, gây tổn thương hệ thần kinh, khiến vết thương khó lành hơn.

Ngoài ra như bệnh đái tháo đường type 1, chúng ta cũng cần chú ý các biểu hiện: mệt mỏi hoặc tình trạng mất sức không giải thích được; sụt cân ít hoặc vừa; nhìn mờ; rối loạn chức năng tình dục ở nam, rối loạn cương; tê, dị cảm đầu chi; da khô;…

Triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ không biểu hiện ra các triệu chứng rõ ràng vì vậy sản phụ nên đi khám bác sĩ định kỳ và chú ý các dấu hiệu sau:

  • Khát nước hơn bình thường, thường xuyên đi tiểu hơn. 
  • Các vết thương ngoài da lâu lành 
  • Vùng kín bị nhiễm nấm, dùng thuốc điều trị không khỏi
  • Cảm thấy mệt mỏi, sụt cân

Cách phát hiện chính xác bệnh đái tháo đường

Thử đường huyết tại nhà (nhà thuốc gần nhà)

Hiện nay trên thị trường đã có các máy đo đường huyết giúp xác định nhanh chỉ số đường huyết của người dùng với các thao tác đơn giản. Bạn có thể thực hiện việc đo đường huyết tại nhà bằng thiết bị này hoặc tìm đến các nhà thuốc có cung cấp dịch vụ thử đường huyết trong khu vực để được tư vấn rõ hơn. 

Có thể kiểm tra lượng đường huyết tại nhà bằng máy đo đơn giản
Có thể kiểm tra lượng đường huyết tại nhà bằng máy đo đơn giản

Những lưu ý trước khi đo đường huyết tại nhà hoặc nhà thuốc gần nhà bạn:

  • Tránh vận động mạnh
  • Cần rửa tay sạch trước khi đo đường huyết, để tránh việc để đường dính vào tay, gây ảnh hưởng đến kết quả đo
  • Chọn vị trí lấy máu: bạn nên thử trên đầu ngón tay vì sẽ ít bị sai số và không bị ảnh hưởng đến kết quả. Máu ở đầu ngón tay có thể kiểm tra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày

Việc đo đường huyết tại dù chính xác nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho những xét nghiệm tại bệnh viện. Bạn vẫn nên tìm đến các bác sĩ khi cảm thấy bản thân có các dấu hiệu bệnh tiểu đường hoặc khi cần thăm khám chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác hơn.

Đến kiểm tra tại bệnh viện:

Để xác định một bệnh nhân có bị đái tháo đường hay không, thông thường bác sĩ chẩn đoán qua các yếu tố nguy cơ, triệu chứng và xét nghiệm máu để định lượng mức đường huyết. Các xét nghiệm thường được thực hiện là:

  • Xét nghiệm nồng độ đường huyết lúc đói: Bệnh nhân cần nhịn đói trước khi lấy máu xét nghiệm từ 8-10 giờ (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội), thời điểm lấy máu thường là vào buổi sáng. Nếu kết quả đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dl  (≥ 7,0 mmol/l) ở 2 lần xét nghiệm gần nhau thì được coi là đái tháo đường.
  • Xét nghiệm máu ngẫu nhiên (lúc không đói): theo WHO, một trong các tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh đái tháo đường là xét nghiệm đường huyết tại thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dl  (≥ 11,1 mmol/l) kèm huyết tương  ≥ 180 mg/dl  (≥ 10,0 mmol/l) với máu toàn phần
  • Xét nghiệm Hemoglobin A1C: HbA1C là chỉ số cho biết nồng độ đường huyết trung bình trong khoảng 3 tháng gần đây. Khi HbA1C > 6,4%, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Các xét nghiệm phù hợp sẽ được chỉ định để chẩn đoán đái tháo đường
Các xét nghiệm phù hợp sẽ được chỉ định để chẩn đoán đái tháo đường

Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường hiện nay

Điều trị bệnh tiểu đường tùy thuộc vào phân loại bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn các cách tự chăm sóc và quản lý lượng đường huyết cũng như chế độ dùng thuốc hợp lý.

  • Tiểu đường type 1: bác sĩ sẽ chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời vì cơ thể không thể tự sản xuất insulin được nữa.
  • Đối với tiểu đường type 2: nếu không thể kiểm soát được lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định sử dụng thuốc điều trị tiểu đường dạng uống hoặc tiêm để chỉ số đường huyết ổn định.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh cần có kế hoạch theo dõi lượng đường huyết cũng như sắp xếp chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: 

  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ, các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt có gas
  • Nên ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
  • Chia nhỏ bữa ăn
  • Tăng vận động, mỗi ngày nên dành thời gian đi bộ, tập thể dục, ngoài ra có thể chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe
  • Cai thuốc lá, hạn chế rượu bia và các đồ uống có cồn.
Cần theo dõi đường huyết và có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh
Cần theo dõi đường huyết và có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Bệnh tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau theo thời gian do đó bệnh nhân cần được thăm khám, đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị phù hợp và hiệu quả. 

Phòng ngừa bệnh tiểu đường

Việc phòng ngừa bệnh tiểu đường liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và tập luyện. Vì vậy chúng ta nên lưu ý đến những điều sau đây nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh:

  • Có chế độ ăn uống khoa học: Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo đó chính là vấn đề then chốt trong phòng ngừa tiểu đường. Ăn ít đường, chất béo, bổ sung thêm ngũ cốc, ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, trái cây… Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, bởi nó hạ thấp tỷ lệ đường trong máu, ngoài ra còn có tác dụng trong việc phòng chống bệnh tim mạch.
  • Duy trì cân nặng hợp lý
Có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt
Có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt
  • Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với sức khỏe không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì, giúp hạ thấp lượng đường và insulin trong máu.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia…
  • Khám tầm soát ít nhất 1 năm/lần đối với người chưa mắc bệnh, 6 tháng/lần đối với người có yếu tố nguy cơ là rất quan trọng.

Trên đây là nội dung liên quan đến bệnh tiểu đường, các triệu chứng trong giai đoạn đầu và cách phòng ngừa tiểu đường. Hy vọng Vivita đã cung cấp cho bạn thông tin bổ ích trong việc chăm sóc sức khỏe của chính bản thân cũng như gia đình của bạn.

Dược sĩ Ngọc Trúc

Dược sĩ Ngọc Trúc

Đã kiểm duyệt nội dung

Xem thông tin

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)