#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Xơ Gan – Hậu Quả Khôn Lường Nếu Không Phát Hiện Sớm

Xơ gan là tình trạng tổn thương gan, trong đó các tế bào khỏe mạnh được thay thế bằng các mô xơ (sẹo). Khi tình trạng này kéo dài, các mô xơ được sinh ra ngày càng nhiều và thay đổi hoàn toàn cấu trúc bình thường của gan, dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Vậy nếu không phát hiện sớm bệnh xơ gan thì có hậu quả gì? Làm thế nào để biết mình bị xơ gan? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có được câu trả lời nhé.

Tại sao xơ gan lại nguy hiểm?

Biến chứng xơ gan rất nguy hiểm

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là biến chứng thường gặp trong bệnh xơ gan. Đây là hậu quả của việc hình thành quá nhiều mô sẹo, làm chậm dòng chảy bình thường của máu qua gan. Máu bị dồn ứ gây ra tăng áp lực trong tĩnh mạch đưa máu đến gan từ ruột và lá lách. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác như: lách to, xuất huyết, suy thận,…

Biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là biến chứng thường gặp trong bệnh xơ gan

Cường lách do xơ gan

Đây là hệ lụy của việc ứ máu ở tĩnh mạch cửa khiến cho máu dồn ngược trở lại các tĩnh mạch đi đến tĩnh mạch cửa của gan, trong đó có tĩnh mạch lách. Đây là một biến chứng nguy hiểm, gây lách to, xung huyết nhiều và có thể gây vỡ tĩnh mạch thực quản. 

Xuất huyết tiêu hóa

Do sự hình thành các mô sẹo (xơ) trong gan làm cản trở tuần hoàn máu qua gan, máu được chuyển hướng đến các tĩnh mạch nhỏ hơn như tĩnh mạch thực quản và dạ dày. Lượng máu tăng lên sẽ dẫn đến tình trạng giãn tĩnh mạch. Đến một giới hạn nào đó, mạch máu không chịu đựng được và vỡ ra, gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh sẽ có triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài ra máu, choáng váng,…

Đặc biệt, xơ gan còn ảnh hưởng đến chức năng tổng hợp các chất đông máu. Do đó, người bệnh xơ gan có biến chứng xuất huyết tiêu hóa còn gặp nguy hiểm hơn vì có nguy cơ chảy máu kéo dài. Nếu không cấp cứu nhanh chóng trong trường hợp này dễ dẫn đến tử vong.

Phù nề ở chân và bụng (bệnh xơ gan cổ trướng)

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây ra tình trạng tích tụ dịch ở chân (phù nề) hoặc bụng (cổ trướng). Ngoài ra, gan bị tổn thương làm giảm tổng hợp protein, gây giảm áp lực keo và nước trong lòng mạch dễ dàng thoát ra ngoài gây nên triệu chứng phù nề do xơ gan.  

xơ gan cổ trướng
Người bệnh xơ gan thường gặp biến chứng phù nề ở chân hoặc trướng bụng

Tình trạng nhiễm trùng

Tình trạng xơ gan, làm suy yếu chức năng chuyển hóa và khử độc của gan. Cùng với đó, việc chức năng gan suy giảm cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Các biến chứng nhiễm trùng ở bệnh nhân xơ gan thường gặp là viêm phúc mạc (do cổ trướng), nhiễm trùng máu, viêm phổi,…

Suy dinh dưỡng

Xơ gan gây suy giảm chức năng gan khiến khả năng xử lý và hấp thụ các chất dinh dưỡng kém hơn bình thường. Người bệnh xơ gan thường có các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, gầy sút cân, suy dinh dưỡng,…

Bệnh não gan

Bệnh não gan hay còn gọi là hôn mê gan là biến chứng nguy hiểm, xảy ra khi các tế bào gan bị phá hủy nhiều, ảnh hưởng đến khả năng bài tiết độc tố ra khỏi cơ thể. Vì lý do đó, ở bệnh nhân xơ gan nồng độ amoniac máu cao hơn người bình thường do không được đào thải ra ngoài. Lượng amoniac này đi vào trong máu lên não và tích tụ tại đây gây ra các triệu chứng của bệnh não gan như: rối loạn tri giác, lú lẫn, mất trí nhớ, khó tập trung, hôn mê,…

Ung thư gan

Người bị xơ gan có nguy cơ cao bị ung thư gan. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể thấy đau tức vùng hạ sườn phải do khối u đã phát triển gây chèn ép. Kèm theo đó, người bệnh bị sụt cân nhanh chóng, người mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí là xuất huyết ổ bụng do khối u bị vỡ.

ung thư gan
Người bị xơ gan có nguy cơ cao bị ung thư gan

Hội chứng gan thận

Hội chứng gan thận là tình trạng suy thận cấp tính chủ yếu gặp ở người bệnh xơ gan cổ trướng, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nhiễm trùng dịch cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa,… làm tăng nguy cơ thúc đẩy hội chứng gan thận và dễ dẫn đến tử vong nếu không được ghép gan kịp thời.

Xơ gan tiến triển âm thầm

Khi tổn thương gan đang còn ở mức độ nhẹ thì gan vẫn còn khả năng hoạt động bình thường hoặc còn bù trừ được cho phần bị xơ hóa (xơ gan còn bù). Lúc này, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng không điển hình như: người mệt mỏi, chán ăn, đau bụng,… rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. 

Đó là lý do vì sao người bệnh thường bỏ qua giai đoạn vàng để điều trị xơ gan, dẫn đến bệnh tiến triển âm thầm và trở nên nặng hơn. Hậu quả là khi phát hiện bị xơ gan thì thường đã vào giai đoạn muộn, triệu chứng ở mức độ nặng và có thể xuất hiện các biến chứng gây khó khăn trong việc điều trị phục hồi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ gan

Do ăn uống, sinh hoạt

  • Do uống nhiều rượu, bia (đồ uống có cồn) trong thời gian dài: càng uống nhiều rượu bia thì nguy cơ bị xơ gan càng cao. Nếu lượng tiêu thụ vượt quá 230g cồn mỗi ngày thì trong 20 năm nguy cơ hình thành xơ gan là 50%.
  • Do độc chất: Aflatoxin (độc chất có trong thực phẩm, ngũ cốc để lâu ngày), asen,…
uống nhiều rượu bia gây tăng nguy cơ xơ gan
Uống nhiều rượu bia gây tăng nguy cơ xơ gan

Do bệnh lý

  • Do bệnh viêm gan virus: viêm gan do virus có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan, nguy cơ cao nhất là virus viêm gan B, C.
  • Do ký sinh trùng gây nhiễm trùng: thường gặp nhất là ký sinh trùng amip, ký sinh trùng sốt rét, sán dây nhỏ, sán lá gan, sán chó.
  • Xơ gan do bệnh lý di truyền hiếm gặp: bệnh haemochromatosis (thừa sắt), bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng), thiếu alpha-1 antitrypsin, tăng galactose máu,…
  • Xơ gan do rối loạn miễn dịch: xơ gan mật nguyên phát, viêm gan tự miễn.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: quá trình xơ hóa diễn ra chậm chạp, thường phải sau 10-20 năm.

Do thuốc

Một số thuốc khi dùng có thể gây xơ gan, như: thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp (Methotrexate), kháng sinh điều trị lao (Isoniazid),…

Cần lưu ý rằng, bệnh xơ gan có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân, hoặc cũng có thể do nhiều nguyên nhân tác động gây tổn thương gan

Các giai đoạn tiến triển của bệnh xơ gan

Xơ gan giai đoạn 1

Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, lúc này gan đã bắt đầu bị viêm. Khi bị tổn thương, gan có cơ chế tự phục hồi bằng cách hình thành các vết sẹo để cố gắng đảo ngược tình trạng viêm. Mức độ tổn thương ít nên bệnh nhân thường chỉ cảm giác mỏi mệt, thiếu năng lượng, nước tiểu đậm màu hơn bình thường, nổi mẩn đỏ, móng tay thô ráp, lông rụng nhiều,…

Những tổn thương gan do xơ gan gây ra thường không thể phục hồi được. Nhưng nếu bệnh xơ gan được chẩn đoán sớm và điều trị nguyên nhân thì có thể hạn chế được tổn thương thêm.

Xơ gan giai đoạn 2

Giai đoạn này, các mô sẹo (xơ) được hình thành nhiều hơn làm tăng tổn thương ở gan, gây ra các triệu chứng tương tự giai đoạn 1 nhưng ở mức độ nặng hơn. Kèm theo đó, người bệnh có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, hay bị đầy hơi khó chịu và chảy máu mũi, chân răng.

vàng da xơ gan
Bệnh nhân xơ gan giai đoạn hai có dấu hiệu vàng da, vàng mắt

Xơ gan giai đoạn 3

Gan trong giai đoạn này đã có tổn thương và xơ hóa nhiều làm suy giảm chức năng nghiêm trọng. Lúc này, cơ thể bị tích tụ dịch và độc tố nên các triệu chứng ở giai đoạn 3 xuất hiện rõ ràng và ở mức độ nặng hơn hai giai đoạn đầu. Người bệnh cảm thấy cơ thể suy nhược, đau hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đường huyết tăng giảm thất thường, nhịp tim nhanh, phù nề, hiện tượng vàng mắt vàng da rõ rệt hơn và đã bắt đầu lan ra tay, chân và toàn thân.

Xơ gan giai đoạn 4

Đây là giai đoạn cuối của xơ gan, lúc này gan đã bị xơ hóa hoàn toàn và có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan hay tăng áp lực tĩnh mạch cửa, ung thư gan.

Giai đoạn này, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng điển hình như: 

  • Phù chân, bụng to (cổ trướng).
  • Đau tức vùng hạ sườn phải. 
  • Có các triệu chứng của hội chứng não gan: rối loạn tri giác, lú lẫn, mất trí nhớ, khó tập trung, thậm chí là hôn mê,…
  • Suy thận gây tiểu ít, tiểu khó khăn.
  • Rối loạn tiêu hóa, xuất huyết.
  • Dịch ứ đọng trong ổ bụng làm tăng nguy cơ vỡ tĩnh mạch thực quản.

Làm sao để phát hiện sớm xơ gan

Phát hiện qua triệu chứng

Theo tiến triển của bệnh xơ gan, người bệnh sẽ có những triệu chứng:

  • Thường xuyên mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau tức hạ sườn phải.
  • Ăn không ngon, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, gầy sút cân,…
  • Xuất huyết tiêu hóa, đi ngoài phân đen
  • Dễ chảy máu, bầm tím
  • Vàng da, vàng mắt
  • Nổi mề đay, mẩn ngứa
  • Mạch máu nổi lên như mạng nhện (sao mạch)

Bên cạnh đó, bệnh xơ gan còn ảnh hưởng đến sinh lý ở cả hai giới. Nữ bị xơ gan có thể bị vô kinh, còn nam ngực to ra và giảm ham muốn.

Cần chú ý rằng, không phải bệnh nhân xơ gan nào cũng đều có tất cả các triệu chứng trên. Điều này tùy thuộc vào tình hình sức khỏe và bệnh lý kèm theo ở mỗi người. Khi phát hiện các triệu chứng như trên, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời để hạn chế tổn thương thấp nhất.

đau tức hạ sườn phải
Người bệnh xơ gan có triệu chứng đau tức hạ sườn phải

Phát hiện qua yếu tố nguy cơ

Một số đối tượng có nguy cơ mắc xơ gan cao hơn nên cần có kế hoạch đi kiểm tra để phát hiện bệnh sớm như:

  • Người nghiện rượu: uống quá nhiều rượu là một yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ gan.
  • Người thừa cân: béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh dẫn đến xơ gan, chẳng hạn như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
  • Người bị mắc các bệnh viêm gan mạn tính như viêm gan B hay viêm gan C.

Xét nghiệm xơ gan

Để phát hiện bệnh gan thì cần thông qua các xét nghiệm chức năng gan để xác định. Tốt nhất bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, không phải khi phát hiện triệu chứng bệnh mới đi khám. Việc đi khám thường xuyên giúp phát hiện sớm các bệnh lý về gan cũng như các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. 

Nếu có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ thông báo với bạn và hướng dẫn điều trị để khắc phục tình trạng bệnh. Xơ gan là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách là chìa khóa giúp người bệnh phục hồi chức năng gan.

Các xét nghiệm để kiểm tra chức năng gan phổ biến nhất:

  • Kiểm tra máu: các xét nghiệm sinh hóa máu, đông máu, công thức máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu: phân tích nước tiểu và điện giải niệu.
  • Hình ảnh: Siêu âm bụng, CT scan hay chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ xác định gan bị tổn thương hay không và mức độ tổn thương như thế nào.
  • Sinh thiết gan: đây là xét nghiệm có độ chính xác và tin cậy cao.

Cách điều trị bệnh xơ gan

Mục tiêu điều trị xơ gan

  • Làm chậm quá trình xơ hóa, giảm triệu chứng và phục hồi chức năng gan.
  • Dự phòng biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng dịch cổ trướng, tiền hôn mê gan,..
  • Dự phòng tiến triển: ngăn ngừa xơ gan tiến triển thành ung thư gan.

Điều trị bệnh xơ gan

  • Điều trị nguyên nhân gây tổn thương gan: ví dụ, điều trị nhiễm vi rút viêm gan (B hoặc C).
  • Điều trị xơ gan do rượu: rượu làm tổn thương gan và gây hại cho các mô khỏe mạnh còn lại. Do đó, bác sĩ có thể tư vấn liệu trình cai rượu để bệnh nhân có thể thực hiện được đúng và dễ dàng hơn.
  • Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống: xây dựng chế độ ăn uống dinh dưỡng ít chất béo, giàu protein và tập thể dục có thể giúp mọi người giảm được cân và kiểm soát được lượng đường huyết.
  • Thuốc điều trị bệnh gan: thuốc điều trị viêm gan B và viêm gan C.
  • Thuốc kiểm soát triệu chứng xơ gan: thuốc lợi tiểu, thuốc đông máu, dịch truyền albumin,…
  • Tránh sử dụng các thuốc làm tiến triển bệnh xơ gan như: thuốc chống viêm non-steroid (Ibuprofen, aspirin, meloxicam,…), thuốc an thần,…

Phòng bệnh xơ gan

  • Phòng ngừa bệnh viêm gan virus bằng cách tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh. Cùng với đó, để tránh lây nhiễm viêm gan B, bạn nên quan hệ tình dục an toàn và tuyệt đối không sử dụng chung bơm kim tiêm.
  • Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần khám sức khỏe định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Mục đích nhằm phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan tiến triển có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan
  • Hạn chế hoặc không uống rượu bia đối với những đối tượng có nguy cơ cao bị xơ gan.
  • Sử dụng các thực phẩm sạch và thực hiện ăn chín uống sôi để không bị nhiễm ký sinh trùng amip, sán lá gan,…
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng. Người bệnh nên hạn chế ăn quá nhiều dầu mỡ hoặc các thực phẩm có nhiều cholesterol.
  • Không dùng những thuốc làm suy giảm chức năng gan.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý có thể là nguyên nhân dẫn đến xơ gan.

>>>> Xem thêm: [GIẢI ĐÁP] Bệnh xơ gan có lây không? cách phòng ngừa hiệu quả

tiêm vaccin viêm gan b
Phòng ngừa bệnh viêm gan virus bằng cách tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho người lớn và trẻ em

Xơ gan một bệnh lý mạn tính, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dễ có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư gan. Để phát hiện sớm, mọi người nên định kỳ đi khám sức khỏe và chủ động phòng ngừa bệnh xơ gan. Đặc biệt, người bệnh nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Hy vọng những chia sẻ của Vivita.vn có thể giúp bạn đọc có thêm thông tin về xơ gan và mức độ nguy hiểm của bệnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn vui lòng bình luận bên dưới bài viết hoặc liên hệ hotline 1900 2061 để được các Dược sĩ giải đáp.

Xem thêm: [GIẢI ĐÁP] Bệnh Xơ Gan Có Lây Không?

Dược sĩ Ngọc Trúc

Dược sĩ Ngọc Trúc

Đã kiểm duyệt nội dung

Xem thông tin

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)