Hướng Dẫn Mẹ Bầu Cách Giảm Ngứa Vùng Kín Khi Mang Thai
Xem nhanh nội dung bài viết
- 1 Ngứa vùng kín khi mang thai có thể kèm theo những tình trạng nào ảnh hưởng đến mẹ bầu
- 2 Nguyên nhân gây ngứa vùng kín khi mang thai
- 3 Cách giảm ngứa vùng kín khi mang thai có thể áp dụng tại nhà
- 3.1 Sử dụng baking soda
- 3.2 Mặc quần áo thoải mái
- 3.3 Lựa chọn đồ lót thích hợp
- 3.4 Hạn chế ăn nhiều đường khi mẹ bầu bị ngứa vùng kín do nhiễm trùng nấm
- 3.5 Ăn sữa chua chứa lợi khuẩn Lactobacillus hàng ngày
- 3.6 Sử dụng kem chống ngứa
- 3.7 Chườm lạnh
- 3.8 Loại bỏ các sản phẩm vệ sinh, tẩy rửa không phù hợp
- 4 Ngứa vùng kín khi mang thai có nguy hiểm không?
- 5 Phòng ngừa ngứa vùng kín khi mang thai như thế nào?
- 6 Kết luận
Ngứa vùng kín là một trong những tình trạng mà mẹ bầu thường gặp phải trong thai kì. Tình trạng này nếu kéo dài, không những gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Hãy cùng VIVITA.VN tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân và cách giảm ngứa vùng kín khi mang thai ngay nhé!
Ngứa vùng kín khi mang thai có thể kèm theo những tình trạng nào ảnh hưởng đến mẹ bầu
Mẹ bầu bị ngứa vùng kín có thể kèm theo một hoặc nhiều tình trạng sau đây, tùy vào nguyên nhân gây ngứa khác nhau:
- Vùng kín sưng đỏ.
- Đau rát ở cơ quan sinh dục.
- Ra nhiều khí hư bất thường và có mùi hôi khó chịu.
- Rối loạn tiểu tiện (tiểu buốt, tiểu đau, tiểu rắt)
- Nặng có thể kèm theo sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, rét run.
Nguyên nhân gây ngứa vùng kín khi mang thai
Thay đổi nội tiết tố
Trong quá trình mang thai, sự thay đổi hormon sinh dục ảnh hưởng đến độ pH tối ưu của âm đạo (3.8< pH <4.5), gây mất cân bằng hệ vi sinh vật thường trú tại đây. Kết quả là làm phá vỡ hàng rào tự nhiên giúp bảo vệ bộ phận sinh dục.
Đồng thời, cùng với sự thay đổi hormon sinh dục, chất glycogen ở biểu mô âm đạo cũng hình thành nhiều hơn so với trước khi mang thai. Chính vì nguyên nhân này mà âm đạo người mẹ trở nên ẩm ướt hơn. Kết hợp với việc thay đổi pH âm đạo là cơ hội cho các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, nấm) phát triển. Từ đó, chúng sẽ gây viêm nhiễm, khiến mẹ bầu bị ngứa vùng kín.
Vệ sinh vùng kín không đúng cách
Nếu mẹ bầu không biết vệ sinh vùng kín đúng cách khi mang thai sẽ khiến “nơi ấy” trở nên nhạy cảm và dễ bị tác động bởi các yếu tố gây viêm nhiễm.
Một số sai lầm trong vệ sinh vùng kín thường gặp là:
- Vệ sinh không sạch.
- Dùng dung dịch vệ sinh có độ pH không phù hợp hoặc dùng sữa tắm vệ sinh vùng kín.
- Dùng vòi sen thụt rửa sâu bên trong âm đạo .
Mắc các bệnh phụ khoa
Viêm âm đạo
– Viêm âm đạo do vi khuẩn:
Thông thường, vi khuẩn “có lợi” (Lactobacilli) nhiều hơn vi khuẩn “có hại ” (vi khuẩn kỵ khí). Nhưng trong trường hợp môi trường âm đạo thay đổi, tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí phát triển mạnh, chúng sẽ làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của vi sinh vật trong âm đạo và gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn.
Mẹ bầu mắc bệnh này thường có triệu chứng: vùng kín sưng đỏ, mẩn ngứa, đau rát, vùng kín có mùi hôi, nhiều khí hư lỏng màu trắng xám hoặc vàng.
– Viêm âm đạo do nấm:
Viêm âm đạo do nấm, còn được gọi là bệnh nấm Candida, là một tình trạng phổ biến thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nấm Candida thường cư trú trong âm đạo và không gây hại nếu độ pH trong môi trường âm đạo ở mức cân bằng. Tuy nhiên, do những thay đổi trong thời gian mang thai của người mẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida phát triển và gây bệnh.
Khi bị viêm âm đạo do nấm, mẹ bầu thường cảm thấy ngứa, đau rát, có dịch tiết màu trắng hoặc xám nhẹ vón cục, và có thể xuất hiện dịch mủ.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Ngứa vùng kín có thể là một trong những triệu chứng cảnh báo bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kì. Nguyên nhân thông thường là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) khiến người mắc phải có cảm giác ngứa và gây tiểu buốt, tiểu rát.
Ngoài ra, thường khi mang thai vào 3 tháng cuối, do khối lượng thai tăng nhiều và đè lên bàng quang gây ra ứ đọng nước tiểu. Tình trạng ứ đọng này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó cũng gây ra tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai.
Bệnh lây qua đường tình dục
Một số bệnh lây qua đường tình dục gây ngứa vùng kín thường gặp là: Chlamydia, giang mai, lậu, Herpes sinh dục và trùng roi Trichomonas. Người mắc bệnh này thường có cảm giác ngứa rát vùng kín, đau buốt khi đi tiểu, âm hộ sưng đỏ, khí hư màu trắng đục.
Rận mu
Nếu chỉ ngứa quanh vùng lông mu và ngứa nhiều vào ban đêm thì có thể nguyên nhân là do rận mu. Chú ý quan sát, mẹ bầu có thể nhìn thấy các đốm đỏ nhỏ do rận mu hút máu và vết tổn thương da (vết lở loét, phồng rộp). Khi hút máu, rận mu sẽ gây kích ứng trên da, khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở vùng kín.
Rận mu có thể lây lan qua đường tình dục hoặc tiếp xúc gần (ngủ chung giường, sử dụng chung quần áo, …).
Cách giảm ngứa vùng kín khi mang thai có thể áp dụng tại nhà
Khi mới bị ngứa vùng kín, mẹ bầu không nên quá lo lắng, gây ảnh hưởng đến tâm lý. Mà có thể tham khảo một số phương pháp đơn giản, an toàn giúp giảm tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai sau đây.
Sử dụng baking soda
Pha baking soda trong nước rồi ngâm vùng kín trong khoảng 10-15 phút. Cách này khá an toàn và phù hợp để giảm ngứa vùng kín khi mang thai. Sau khi ngâm xong, rửa lại bằng nước sạch và lau khô bằng khăn mềm. Biện pháp này đồng thời mang lại hiệu quả nếu mẹ bầu bị ngứa bụng trong thời gian mang thai.
Mặc quần áo thoải mái
Nên lựa chọn quần áo thoải mái trong thời gian mang thai. Quan trọng nhất là lựa quần áo có chất vải mềm, thông thoáng, thấm hút. Vải không xù tránh gây cọ xát, kích ứng da.
Lựa chọn đồ lót thích hợp
Mẹ bầu nên lựa chọn những loại quần lót mềm mại, thoải mái nhất. Ưu tiên quần lót bằng vải cotton có khả năng thấm hút tốt để tránh vùng kín bị ẩm ướt. Nên thay đồ lót hàng ngày hoặc khi bị bẩn, ướt.
Hạn chế ăn nhiều đường khi mẹ bầu bị ngứa vùng kín do nhiễm trùng nấm
Nếu ngứa vùng kín khi mang thai là do nhiễm trùng nấm, mẹ bầu nên hạn chế đường trong chế độ ăn uống. Đường làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng.
Ăn sữa chua chứa lợi khuẩn Lactobacillus hàng ngày
Sữa chua giúp bổ sung thêm các lợi khuẩn tốt cho cơ thể và tăng cường miễn dịch trong suốt thai kì. Từ đó, cũng cải thiện tình trạng viêm nhiễm, giảm ngứa vùng kín khi mang thai.
Mẹ bầu nên bổ sung sữa chua trong chế độ ăn uống hàng ngày. Lựa chọn sữa chua tự nhiên, nguyên chất có chứa Lactobacillus và không đường.
Sử dụng kem chống ngứa
Mẹ bầu bị ngứa vùng kín có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm mua sản phẩm kem trị ngứa cho phụ nữ mang thai. Cẩn trọng không sử dụng các sản phẩm có thành phần chống chỉ định với phụ nữ mang thai (corticoid, kháng sinh) vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi nếu sử dụng với lượng lớn và trong thời gian dài.
Chườm lạnh
Chườm lạnh là một trong những cách tốt nhất để làm dịu cơn ngứa tại vùng kín. Dùng túi đá để làm mát vùng da bị viêm hoặc ngâm khăn vào nước lạnh rồi đặt lên vùng da bị viêm. Chườm lạnh không chữa khỏi nhiễm trùng nhưng chắc chắn giúp giảm bớt cảm giác ngứa vùng kín tạm thời.
Loại bỏ các sản phẩm vệ sinh, tẩy rửa không phù hợp
Trong trường hợp các sản phẩm vệ sinh, dưỡng da, sữa tắm là nguyên nhân gây ngứa vùng kín thì mẹ bầu không nên sử dụng. Tốt nhất là, sử dụng các sản phẩm lành tính cho da nhạy cảm và không mùi.
Trường hợp xà phòng giặt, nước xả vải gây kích ứng da vùng kín, cũng nên thay đổi loại phù hợp dành cho phụ nữ mang thai.
Ngứa vùng kín khi mang thai có nguy hiểm không?
Ảnh hưởng đến người mẹ
- Trước hết, ngứa vùng kín khi mang thai sẽ gây ra cảm giác ngứa rát, khó chịu cho bản thân người mẹ. Từ đó, người mẹ sẽ có tâm lý lo lắng, không thoải mái dễ ảnh hưởng đến thai nhi.
- Tình trạng ngứa vùng kín kéo dài nếu không được chữa trị kịp thời có thể tiến triển nặng hơn và dễ gặp các biến chứng của bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
- Gây hại cho sức khỏe người mẹ, ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng thai nhi.
- Trong trường hợp mẹ bầu bị ngứa vùng kín là do nguyên nhân nhiễm khuẩn âm đạo nếu không điều trị kịp thời sẽ gây kích ứng hoặc viêm niêm mạc tử cung sau khi sinh.
Ảnh hưởng đến thai nhi
Các trường hợp mẹ bầu bị ngứa vùng kín thường là dấu hiệu cảnh báo về sự bất thường hoặc viêm nhiễm phần phụ (âm đạo, tử cung, vòi trứng) của người mẹ. Các bệnh viêm nhiễm dù nhẹ hay nặng đều có thể ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của thai nhi.
Một số nguy hiểm cho thai nhi có thể gặp phải:
- Trong trường hợp viêm nhiễm nặng thì người mẹ có thể phải sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
- Nếu tình trạng ngứa vùng kín tiến triển nặng thành các bệnh phụ khoa nguy hiểm đến thai nhi (trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp nếu người mẹ sinh thường…).
- Một số bệnh lý có thể lây từ mẹ sang con, ví dụ như: giang mai , Herpes.
Phòng ngừa ngứa vùng kín khi mang thai như thế nào?
Để có một thai kì khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe cho mẹ và dành những điều tốt nhất cho con, các bà mẹ nên chủ động phòng ngừa các bệnh lý gây ngứa vùng kín bằng những cách sau đây:
- Quan hệ tình dục một vợ một chồng.
- Không dùng chung đồ lót với người khác, quần lót luôn thoải mái và thông thoáng.
- Không mặc đồ lót, quần áo ẩm ướt.
- Luôn lau cơ quan sinh dục, hậu môn từ trước ra sau.
- Lau khô vùng kín bằng khăn bông khô và sạch sau khi rửa vệ sinh hoặc tắm.
- Không thụt rửa âm đạo.
- Tránh dùng các dung dịch vệ sinh có mùi hoặc không phù hợp cho phụ nữ có thai.
- Không sử dụng chất xịt thơm vùng kín như nước hoa.
- Hạn chế lượng đường trong chế độ ăn, vì đường thúc đẩy sự phát triển của nấm men.
- Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc yoga để tăng sức đề kháng.
Kết luận
Ngứa vùng kín khi mang thai là tình trạng thường gặp nên mẹ bầu không nên quá lo lắng mà nên cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Trước hết, mẹ bầu có thể tham khảo một số phương pháp đơn giản, an toàn giúp giảm tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai được nêu trong bài. Cùng với đó, mẹ bầu nên thông báo với bác sĩ về tình trạng mình gặp phải để có thể xử lí kịp thời.
Hy vọng những chia sẻ của VIVITA.VN về tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai có thể giúp ích được cho các mẹ bầu. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn vui lòng bình luận bên dưới bài viết hoặc liên hệ hotline 1900 2061 để được các Dược sĩ giải đáp.
Xem thêm: Mẹo khắc phục ngứa vùng kín sau sinh