Phụ nữ có bị bệnh gout hay không?
Xem nhanh nội dung bài viết
Từ trước đến nay, nhiều người biết rằng, gout là bệnh lý phổ biến thường gặp ở nam giới. Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, số lượng thống kê cho thấy, chị em mắc bệnh đang có xu hướng tăng. Bệnh gout ở phụ nữ cũng có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm mà chị em cần đặc biệt quan tâm. Cùng chúng tôi giải đáp thắc mắc “phụ nữ có bị bệnh gout hay không?” qua những thông tin dưới đây.
Định nghĩa về bệnh gout
Bệnh gout là tình trạng viêm khớp do vi tinh thể, có lắng đọng muối urat tại khớp, gây ra do tăng axit uric trong máu là kết quả của tình trạng rối loạn chuyển hóa nhân purin. Bệnh gout đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát và chuyển biến qua các giai đoạn cấp tính, mạn tính, giai đoạn ổn định giữa các cơn gout cấp.
Bệnh có liên quan chủ yếu tới chế độ ăn uống, sinh hoạt và điều trị các bệnh lý liên quan khác nên nam giới là đối tượng dễ mắc bệnh gout hơn so với nữ giới. Trong độ tuổi từ 30-60 thì tỷ lệ nam giới mắc bệnh gout là 90%, trong khi tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới chỉ khoảng 10%. Bác sĩ Brian F.Mandell (Bệnh viện Cleveland, Ohio, Mỹ) cho biết: “Hiếm khi thấy một phụ nữ tiền mãn kinh hoặc đang điều trị thay thế estrogen mắc bệnh gout. Trước tuổi 60 nếu họ mắc bệnh gout thì thường do các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm dùng thuốc lợi tiểu và các vấn đề về thận.”
Nhưng ở độ tuổi ngoài 50, tỷ lệ chênh lệch này bắt đầu thay đổi, theo chiều hướng tăng dần ở nữ giới. Tới tuổi ngoài 70 thì bệnh gout ở phụ nữ đã có tỷ lệ cân bằng với nam giới và sau tuổi 80 thì tỷ lệ chênh lệch đã nghiêng về nữ giới nhiều hơn.
Phụ nữ có bị bệnh gout hay không?
Như đã nói ở trên, phụ nữ vẫn có thể mắc bệnh gout. Nguyên nhân gây ra bệnh gout, dù ở đối tượng là nam hay nữ, đều giống nhau. Cụ thể là các nguyên nhân sau đây:
Nguyên nhân nguyên phát
Đây là nhóm nguyên nhân gặp phải ở đa số các trường hợp bệnh nhân gout. Trong đó, quan trọng nhất chính là do chế độ ăn uống các loại thực phẩm có chứa nhiều purin. Có thể kể đến như: Gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm…
Nguyên nhân thứ phát
Chị em phụ nữ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh gout do một số nguyên nhân dưới đây:
- Suy giảm Estrogen
Đây là nội tiết tố nữ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe chị em. Nó không chỉ duy trì ngoài hình và chức năng sinh lý mà còn giúp duy trì hoạt động của thận.
Nồng độ Estrogen suy giảm sẽ kéo theo chức năng thận cũng sẽ hoạt động kém đi. Từ đó không làm tròn nhiệm vụ ổn định lượng acid uric trong cơ thể. Làm gia tăng khả năng mắc bệnh gout.
Nội tiết tố nữ này thường sẽ có xu hướng giảm mạnh trong thời kỳ tiền mãn kinh. Đây là lý do lý giải vì sao phụ nữ ở độ tuổi sau 45 thường dễ mắc bệnh gout hơn.
- Chế độ dinh dưỡng
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, phụ nữ nếu thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ ăn nhanh hay thực phẩm giàu purin thì nguy cơ mắc bệnh gout cũng sẽ không kém nam giới.
Ăn uống thiếu lành mạnh sẽ làm tăng sinh purin và thúc đẩy cơ thể sản sinh nhiều acid uric hơn. Mặt khác nguồn thực phẩm như đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, rượu bia còn khiến cho hoạt động của thận bị cản trở. Từ đó kéo theo quá trình đào thải acid uric cũng bị trì trệ.
- Thừa cân, béo phì
Đây là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề xấu cho sức khỏe, trong đó có bệnh gout ở phụ nữ. Bởi người béo phì thường mắc phải tình trạng rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, cơ thể quá khổ sẽ tạo nhiều áp lực lên khớp xương, làm cho xương suy yếu. Đồng thời khớp xương cũng dễ bị tổn thương hơn khi có các tác nhân tác động vào.
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên thì phụ nữ còn dễ mắc bệnh gout do nhiều yếu tố khác. Có thể là tuổi tác, suy giảm chức năng thận, di truyền, nhiễm độc chì…
Cách nhận biết gout, giúp chị em phát hiện bệnh sớm
Cũng giống như ở nam giới, bệnh gout ở phụ nữ sẽ trải qua 4 giai đoạn với những biểu hiện khác nhau. Bệnh càng diễn tiến nặng thì triệu chứng sẽ càng rõ ràng.
Khi mới khởi phát, thường chị em sẽ chưa nhận thấy được những triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên, bắt đầu từ giai đoạn thứ 2 thì chị em có thể dễ dàng gặp phải các dấu hiệu sau:
- Khớp xương đau dữ dội và đột ngột, cảm thấy nóng khi sờ vào.
- Sưng tấy khớp, cơn đau thường xuất hiện vào ban đêm hoặc buổi sáng.
- Triệu chứng thường khởi phát ở khớp ngón chân đầu tiên sau đó mới lan ra các khớp khác.
- Khớp xuất hiện hạt tophi, đau dữ dội và còn có biểu hiện nhiễm trùng.
- Thời gian của một đợt đau có thể kéo dài trong khoảng từ vài ngày cho đến vài tuần tùy thuộc vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ.
Tác hại khó lường của bệnh gout ở phụ nữ
- Bệnh gout thường phổ biến hơn ở nam giới nhưng khi mắc bệnh thì chị em phụ nữ lại dễ gặp biến chứng hơn. Điều này là do các chị em luôn chủ quan không nghĩ rằng phụ nữ cũng mắc phải bệnh lý này.
- Chính điều này đã cản trở quá trình sớm phát hiện và điều trị bệnh. Từ đó khiến cho các biến chứng phát sinh mà nhiều chị em không kịp trở tay.
- Các biến chứng sẽ bắt đầu xuất hiện vào giai đoạn cuối của bệnh. Lúc này, nồng độ acid uric trong máu ở mức rất cao. Các tinh thế muối urat kết tủa dày đặc tại khớp, mạch máu, thận cùng nhiều cơ quan khác.
Chị em rất dễ gặp phải các biến chứng như biến dạng khớp, bại liệt, hoại tử. Ngoài ra, bệnh gout ở giai đoạn nặng còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao hay sỏi thận. Trong nhiều trường hợp tính mạng của chị em còn có thể bị đe dọa.
Cách chữa bệnh gout ở phụ nữ hiệu quả
Điều trị nội khoa
Sử dụng thuốc chống viêm (gồm có Colchicin, thuốc kháng viêm không steroid, corticoid).
- Colchicin: Đây là thuốc dùng để giảm đau và chống viêm cho cơn gout cấp hoặc đợt cấp của gout mạn tính. Liều dùng chỉ nên ở mức khoảng 1mg/ngày nhưng nên dùng càng sớm càng tốt (trong vòng 12h đầu khỏi phát cơn gout) để đạt hiệu quả cắt cơn gout. Nếu bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc chống viêm không steroid thì cần dùng Colchicin với liều 1mg x3 lần/ngày đầu tiên, 1mg x 2 lần/ngày thứ 2 và 1mg/ngày thứ 3 trở đi. Trong đó hai ngày đầu là test Colchicin để theo dõi phản ứng và có điều chỉnh phù hợp cho các ngày tiếp theo. Để dự phòng tái phát thì nên dùng 0,5-1,2mg/ngày uống 1-2 lần, kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Nhưng nếu là phụ nữ bị gout và ở độ tuổi ngoài 70 thì nên giảm liều.
- Thuốc kháng viêm không steroid (Indomethacin, Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac, Ketoprofen, Piroxicam): Nhóm thuốc này có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với Colchicin nhưng chống chỉ định với những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận.
- Corticoid: Khi các thuốc trên đây không đem lại hiệu quả thì Corticoid đường uống được chỉ định nhưng cần hạn chế và chỉ sử dụng ngắn ngày. Việc tiêm Corticoid tại khớp phải được trực tiếp bác sĩ chuyên khoa chỉ định sau khi đã loại trừ khả năng viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Sử dụng thuốc giảm trừ axit uric trong máu:
+ Nhóm thuốc ức chế tổng hợp axit uric: Phổ biến nhất là thuốc Allopurinol dùng với liều lượng phụ thuộc nồng độ axit uric máu. Khởi đầu là 100mg/ngày trong 1 tuần, sau đó tăng 200-300mg/ngày. Thuốc chỉ nên chỉ định khi tình trạng viêm khớp đã thuyên giảm, không dùng trong cơn gout cấp và lưu ý các tác dụng phụ của thuốc (như buồn nôn, đau đầu, sốt nhẹ, dị ứng…)
+ Nhóm thuốc tăng thải trừ axit uric: Phổ biến nhất là Probenecid liều 250mg-3g/ngày, Sunfinpyrazol liều 100mg-800mg/ngày, Benzbromaron, Benzbriodaron… Nhóm thuốc này chỉ được chỉ định sau khi đã xét nghiệm axit uric niệu và nồng độ axit uric niệu dưới 600mg/24h, không bị suy thận, sỏi thận, gout mạn có hạt Tophi và là người trẻ tuổi.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật là giải pháp áp dụng khi cần cắt bỏ hạt Tophi và trong trường hợp gout kèm biến chứng loét, bội nhiễm hạt Tophi hoặc hạt Tophi có kích thước lớn (có ảnh hưởng tới vận động hoặc vấn đề thẩm mỹ).
Việc phẫu thuật được cân nhắc và do bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân khi cần thiết.
Trên đây là những vấn đề liên quan đến vấn đề “phụ nữ có bị bệnh gout hay không?”. Hy vọng rằng với những thông tin mà chúng tôi mang đến cho bạn sẽ giúp bạn có thêm những thông tin về bệnh gout để bảo vệ mình và những người xung quanh tránh khỏi căn bệnh này nhé.