Thoái hóa cột sống là gì? Những điều mà ai cũng nên biết
Xem nhanh nội dung bài viết
Thoái hóa cột sống là gì?
Thoái hoá cột sống Tiếng Anh là gì? Bệnh thoái hoá cột sống có tên tiếng Anh là Degenerative spine, là tình trạng lão hóa tự nhiên của cơ thể, bệnh gây ra những biến đổi hình thái ở sụn khớp từ đó dẫn đến đĩa đệm bị bào mòn và mất nước. Tình trạng này thường gặp ở cột sống lưng và cột sống cổ.
Thoái hóa cột sống xuất hiện do sự tổn thương sụn khớp bởi yếu tố như thói quen sinh hoạt sai cách, thường xuyên phải mang vác vật nặng, chế độ dinh dưỡng không hợp lý,…Bệnh nhân phải đối mặt với cơn đau nhức dữ dội tại cột sống vùng bị thoái hóa, các cơn đau có thể lan dần sang các khu vực lân cận như vai, cánh tay, về lâu dài có thể gây teo cơ, đau dây thần kinh tọa, ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Theo cục thống kê, gần 85% số người từ 50 tuổi trở lên gặp các vấn đề về thoái hóa cột sống, trong đó tỉ lệ nữ giới cao hơn ở nam giới. Đối tượng dễ mắc bệnh này nằm trong các ngành nghề có đặc thù công việc ngồi lâu, hoạt động sai tư thế hoặc mang vác nặng như nhân viên văn phòng, tài xế lái xe ô tô, công nhân bốc vác, thợ may,….
Nguyên nhân thoái hóa cột sống
Nguyên nhân nguyên phát
Quá trình lão hóa của cơ thể là quy luật tự nhiên không thể tránh khỏi. Khi tuổi tác càng tăng, cấu trúc cột sống bị hư hại trầm trọng do đã chịu đựng sức ép của cơ thể trong một thời gian dài, biểu hiện là đĩa đệm bị mất nước, bao xơ đĩa đệm dễ bị rách vỡ, dây chằng bị xơ hóa, các mô sụn bị hao mòn…
Tốc độ của uá trình thoái hóa này phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt của mỗi người. Có người bị thoái hóa từ rất sớm khi mới 30 -35 tuổi, nhưng có người đến 50, 60 tuổi xương khớp vẫn chắc khỏe.
Nguyên nhân thứ phát
- Tổn thương cột sống do tai nạn, té ngã.
- Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên cột sống khiến cột sống nhanh bị thoái hóa.
- Đặc thù công việc văn phòng hoặc lao động nặng nhọc, mang vác vật nặng
- Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học thiếu canxi, Magie, nhiều dầu mỡ,…
- Tập luyện thể dục, thể thao quá sức khoặc không đúng phương pháp.
Dấu hiệu thoái hóa cột sống thường gặp:
Hiện có 3 vị trí cột sống thường bị thoái hoá tương đương với 3 loại gồm: thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống lưng, thoái hóa cột sống ngang ngực. Cùng tìm hiểu xem triệu chứng của các loại thoái hoá này để có thể phân biệt được bệnh nhé:
- Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ:
Khi bệnh nhân bị thoái hóa vùng cổ sẽ có những triệu chứng đau ê ẩm vùng cổ (vùng sau gáy), đau nhức sang vùng bả vai, có khi đau lan sang cánh tay. Thậm chí, những người bị nặng có thể bị tê bì xuống đốt ngón tay hoặc đau lan lên đỉnh đầu, ù tai, tức hốc mắt…
- Triệu chứng thoái hóa cột sống lưng:
Đau nhức dữ dội với tần suất ngày càng dày đặc ở vùng thắt lưng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể bị tê bì dọc từ mông xuống chân, thậm chí còn đau nhức cả bàn chân.
- Biểu hiện của thoái hóa cột sống ngang ngực:
Người bệnh thường có biểu hiện đau ngang lưng, đau kéo ra trước ngực, thậm chí gây tức ngực khó thở. Tuy nhiên, thoái hóa cột sống ngang ngực thường ít xảy ra hơn so với hai loại thoái hóa trên.
Chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống
Cùng với khám lâm sàng, bác sĩ có thể tiến hành một vài xét nghiệm nhất định để hỗ trợ chẩn đoán xem bạn có bị viêm xương khớp cột sống không. Những xét nghiệm này bao gồm chụp X-quang và MRI hoặc xét nghiệm máu:
- X-quang là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán thoái hóa cột sống nhằm kiểm tra xem có tổn thương xương, gai đốt xương và mất sụn hoặc đĩa không. Tuy nhiên, X-quang không hiển thị các thiệt hại lớn ở sụn;
- Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh khác;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) để hiển thị những tổn thương ở đĩa đệm và xác định vị trí dây thần kinh cột sống bị thoát vị.
Cách phòng tránh thoái hóa cột sống
Các bệnh xương khớp được nhận định là đang có xu hướng trẻ hóa dần khi mà độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ. Dù bệnh xương khớp không trực tiếp đe dọa đến tính mạng người bệnh, nhưng chúng gây ra sự tàn phá cột sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, vô cùng bất tiện. Vì vậy, mỗi người cần biết rõ cách phòng tránh bệnh xương khớp nói chung và thoái hoá cột sống nói riêng, bằng các cách dưới đây:
- Thăm khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ nhằm phát hiện các dị tật của cột sống để điều trị kịp thời.
- Giáo dục bệnh nhân thoái hóa cột sống tránh cho cột sống bị quá tải bởi trọng lượng và vận động, tránh các động tác mạnh đột ngột, giảm cân nặng với những người béo phì.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều thực phẩm chứa canxi, vitamin, glucosamine, omega-3…
- Chăm chỉ tập luyện để tăng sự dẻo dai cho cột sống. Đối với những người đã và đang bị thoái hóa cột sống, các bài tập là một phần vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và hồi phục.
Thoái hóa cột sống nên uống thuốc gì ?
- Nhóm thuốc giãn cơ: mydocalm, myonal…
- Nhóm thuốc kháng viêm, giảm đau: diclofenac, meloxicam, piroxicam, paracetamol…
- Nhóm thuốc đặc trị thoái hoá cột sống: chondroitin, glucosamin, diacerin…
Tuy nhiên, các loại thuốc trên đây chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời, và còn có nhiều tác dụng phụ nên ít được bác sĩ khuyên dùng trong thời gian dài.
Điều trị thoái hoá cột sống bằng thuốc Nam
Những cây thuốc nam chữa bệnh thoái hóa cột sống thường rất dễ tìm. Tuy nhiên, việc áp dụng các bài thuốc nam cần phù hợp và tuân thủ liều lượng và nguyên tắc. Trị thoái hóa cột sống bằng thuốc nam là phương pháp tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Một số loại cây thuốc nam tự nhiên có thể cải thiện tình trạng bệnh thoái hoá cột sống như: cây nhàu, ớt, cây cỏ xước, lá lốt, cây rau dền gai, cây trinh nữ, đu đủ, mễ nhân, cây xương rồng,..
Thoái hoá cột sống nên ăn gì?
- Thực phẩm giàu Omega-3: Omega-3 là chất hỗ trợ kháng viêm, giảm đau nhức hiệu quả. Những bệnh nhân xương khớp cần dung nạp lượng Omega-3 cao gấp 3 lần người thường để hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả. Một số thực phẩm giàu Omega-3 như các loại cá biển; bột ngũ cốc; hạt lanh; quả óc chó;…
- Vitamin D: Vitamin D có thể được tổng hợp từ việc da của chúng ta tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vitamin D vào cơ thể sẽ hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi bổ trợ hệ xương khớp.
- Trái cây, rau củ: Người bị thoái hóa cột sống nên sử dụng nhiều các loại trái cây như ổi, đu đủ, dứa, táo, lê, nho, dưa hấu… vì trong thành phần các loại quả này có chứa nhiều muối kali, nước, vitamin C, có tác dụng kháng viêm, giảm sưng khá tốt cũng như tăng khả năng bài tiết lượng acid uric qua đường tiết niệu ở người bệnh gout. Súp lơ xanh là thực phẩm giàu vitamin K và C, giúp cho xương khớp chắc khỏe. Cà chua, cải xoăn, đậu bắp, súp lơ, cải thìa là những loại rau quả rất tốt cho người bị bệnh thoái hóa cột sống.
- Đậu nành: Hoạt chất Genistein có trong đậu nành được xem như là hormon estrogen thực vật, có tác dụng tương tự như estrogen sinh học và đóng góp một phần quan trọng đối với sự chắc khỏe của xương. Đậu nành có thể được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau như sữa đậu nành, đậu hũ sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.
- Thực phẩm giàu Magie: Người bị thoái hóa cột sống cũng nên thường xuyên bổ sung những thực phẩm có chứa nhiều chất magie. Vì magie là một chất khoáng có vai trò quan trọng cho hơn 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Những thực phẩm giàu magie bao gồm: Các loại rau lá xanh, cá, đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua, bơ, chuối và socola đen.
Hy vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn đọc kiến thức về bệnh thoái hoá cột sống và những điều cần phải biết để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình.