#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Tác dụng của nhân sâm và cách dùng tốt cho sức khỏe

Theo Đông y, 4 vị thuốc thượng hạng đứng đầu danh sách vị thuốc bổ quý hiếm bao gồm: sâm, nhung, quế, phụ. Nhân sâm là một trong số đó bởi nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Vậy tác dụng của nhân sâm là gì và cách dùng như thế nào tốt cho sức khỏe?

Tổng quan về nhân sâm

Nhân sâm là gì? 

Nhân sâm là một vị thuốc thảo dược được lấy từ rễ cây Nhân sâm (Panax ginseng C.A. Meyer) thuộc loại cây thân thảo lâu năm, họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Cây nhân sâm chủ yếu sống ở vùng núi cao, có tuyết và lạnh. 

Loại sâm từ tự nhiên (được gọi là dã sâm) sẽ quý và tốt hơn so với sâm trồng. Độ cao chừng 0,6m và phần rễ sẽ mọc thành củ to. Phần lá mọc vòng, cuống dài và lá kép gồm nhiều lá chét mọc hình chân vịt.

Sâm có độ tuổi từ 3 năm trở lên mới cho ra hoa và kết quả. Hoa có vào mùa hạ, tạo thành từng cụm hình tán mọc ở đầu cành có màu xanh nhạt, 5 cánh, 5 nhị và bầu hạ 2 núm. Quả mọng có hình dẹt to bằng hạt đậu xanh, lúc chín có chứa 2 hạt và màu đỏ. Hạt mọc từ năm thứ 3 chưa tốt, người ta sẽ bấm bỏ đi đợi đến 4-5 năm mới lấy quả và hạt làm giống.

Thường mùa cho hoa là tháng 3-5, mùa cho quả là tháng 6-8 trong năm. Vùng phân bổ nhân sâm chủ yếu ở các nơi miền núi lạnh thuộc Liên bang Nga, phía Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Những năm gần đây, nhân sâm được trồng ở Nhật, Hoa Kỳ.

Đối với nhân sâm trồng thì thường sau 6 năm là có thể thu hoạch (vào mùa thu từ tháng 9 – 10) lấy rễ củ, giữ nguyên độ ẩm trong sâm không phơi gió, phơi nắng.

nhân sâm là gì

Bộ phận dùng làm thuốc

Bộ phận dùng làm dược liệu là rễ củ nhân sâm được phơi hoặc sấy khô (thường thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu). Rễ nhân sâm thường to bằng ngón tay, chia làm nhiều nhánh giống hình người nên có tên gọi là nhân sâm. Một số củ sâm sẽ có kích thước to khối lượng từ 300 – 400g.

Nhân sâm có vị ngọt, tính ôn (ấm) và hơi đắng với tác dụng bổ khí, điều tiết cơn khát, an thần, kiện tỳ, bổ phế, giảm đau và giảm mệt mỏi. 

Thành phần của nhân sâm

Thành phần nhân sâm chủ yếu gồm: saponin triterpenoid tetracyclic và nhóm dammaran (còn gọi là ginsenoside).

Ngoài ra, thành phần nhân sâm còn có 7 loại hợp chất polyacetylen, hợp chất K, vitamin C, vitamin E, 17 loại axit béo (trong đó có 8 loại axit béo cần thiết cho cơ thể) và 20 nguyên tố hoá học như là: mangan, sắt, selen, coban, kali,…

Phân loại nhân sâm

Dựa theo điều kiện thu hoạch sẽ có 3 loại: viên sâm (sâm trồng), dã sâm/sơn sâm là sâm mọc hoang dã và sâm bán hoang dã (là sâm được trồng trong điều kiện giống như sâm hoang dã). Thực tế thì chủ yếu là sâm trồng và sâm bán hoang dã, còn sâm hoang dã rất hiếm.

Dựa theo xuất xứ sẽ có: Sâm cao ly (ở Hàn Quốc và Triều Tiên), Sâm cát linh (ở Cát Lâm, Trung Quốc), Tây dương sâm (ở Bắc Mỹ)…

Nhân sâm theo cách bào chế thì trên thị trường hiện nay được chia làm 3 loại chính gồm:

  • Sâm tươi: rễ củ sâm được thu hoạch về rửa sạch, giữ nguyên hình dạng và được bán khi còn tươi.
  • Hồng sâm: đây là những củ sâm tươi được lựa chọn kỹ đáp ứng đủ yêu cầu tốt về hình dáng và chất lượng (nặng ít nhất là 37g). Sau đó đem hấp và sấy từ 3-6 lần đến khi lượng nước trong nhân sâm chỉ còn dưới 14% là lúc thu được hồng sâm, hồng sâm có màu hồng nhạt, vị ngọt hơi đắng.
  • Bạch sâm: đây là những củ sâm không đạt tiêu chuẩn để làm hồng sâm thì đem làm bạch sâm. Đầu tiên là bỏ lớp vỏ mỏng của củ sâm rồi phơi nắng nhiều đến khi lượng nước giảm xuống dưới 14% thì đem chần trong nước sôi, tẩm đường rồi làm khô.

Ngoài ra còn có một số loại khác như là:

  • Sinh sát sâm: sâm đã được loại bỏ đất cát, để nguyên vỏ phơi khô.
  • Đại lực sâm: sâm khi chế biến có nhúng nước sôi vài phút rồi lấy phơi khô.
  • Tu sâm: là phần rễ con của củ sâm.
  • Chè sâm: là dịch chiết sâm bốc hơi và bào chế dưới dạng bột hòa tan đựng trong túi giấy bạc.

Nên dùng nhân sâm bao nhiêu tuổi là tốt nhất?

Nhân sâm đủ 6 năm tuổi là thời gian ít nhất để làm ra hồng sâm hảo hạng có công dụng bồi bổ sức khỏe tốt. Sâm quá non sẽ khiến cho hồng sâm không đủ tinh chất. Tuy nhiên, không nên để sâm quá già dẫn đến sự “gỗ hoá” của nhân sâm ảnh hưởng đến những hoạt chất quý của rễ củ sâm.

10 tác dụng của nhân sâm cho sức khỏe

  • Cải thiện trí nhớ, bổ não, cải thiện giấc ngủ: thành phần ginsenoside cùng hợp chất K trong nhân sâm giúp các tế bào não không bị gây hại bởi gốc tự do. Từ đó giúp cải thiện trí nhớ, xoa dịu hệ thần kinh, cải thiện giấc ngủ. Đồng thời hỗ trợ tốt cho những người bị Alzheimer cải thiện hành vi và nhận thức.
  • Chống viêm, chống oxy hóa, lão hoá: Hoạt chất ginsenoside là thành phần giúp nhân sâm có tác dụng chống oxy hóa, ngăn sự phát triển gốc tự do, ức chế các phản ứng viêm bên trong cơ thể. Đây là một trong những tác dụng của nhân sâm với phụ nữ chống lão hoá.

  • Giảm căng thẳng thần kinh: nhân sâm giúp người dùng tỉnh táo về tinh thần, giảm mệt mỏi, tinh thần thoải mái, giảm thiểu tình trạng trầm cảm và lo âu.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: đặc tính Adaptogen có trong nhân sâm giúp kích thích sự trẻ hoá của tế bào, phục hồi các tế bào bị hư hại ở người cao tuổi, chống lại các bệnh cúm và truyền nhiễm.
  • Điều trị bệnh tiểu đường: việc dùng các chế phẩm từ nhân sâm giúp lượng đường trong máu giảm đáng kể. Tuy nhiên, người đang dùng thuốc điều trị tiểu đường không nên dùng cùng lúc với nhân sâm vì có thể làm lượng đường giảm quá mức thấp, khi dùng nhân sâm trị tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Bổ sung năng lượng cho cơ thể: nhân sâm có thể bổ sung một nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể, từ đó phục hồi thể trạng cho người vừa ốm dậy hoặc mất sức vì vận động nhiều.
  • Điều trị rối loạn cương dương ở nam giới: tác dụng của nhân sâm với nam giới, đặc biệt là hồng sâm giúp trị rối loạn cương dương bằng cách giúp lưu thông máu đến dương vật cương cứng nhanh và lâu hơn.
  • Ngăn ngừa bệnh ung thư: nhân sâm có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư. Theo các nghiên cứu gần đây, ginsenosides là thành phần có trong nhân sâm giúp chống lại khối u hoặc tế bào gây ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và các tế bào ung thư thần kinh. 
  • Giảm nồng độ cholesterol: thành phần ginsenosides trong nhân sâm cũng có tác dụng giảm nồng độ cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong cơ thể.
  • Giảm mệt mỏi, tăng khả năng chịu đựng: adaptogenic trong nhân sâm có thể làm thay đổi sinh lý trong cơ thể để thích ứng với trạng thái mệt mỏi hoặc làm việc lao động quá sức. Ngoài ra, nhân sâm còn được dùng cho các vận động viên khi phải rèn luyện thể lực ở mức độ cao, tăng khả năng chịu đựng.

Cách sử dụng nhân sâm hằng ngày

Có 2 cách sử dụng nhân sâm tươi hằng ngày:

  • Sâm đem thái mỏng, cho vào miệng ngậm nhấm từng chút một, nuốt cả bã và nước.
  • Thái mỏng sâm rồi cho vào chén sứ hoặc ấm, thêm một ít nước đậy nắp lại rồi đem đun cách thuỷ, uống nước. Tiếp theo lại tiếp tục thêm nước và đun cách thuỷ, lặp lại đến khi hết mùi vị. Ngoài cách này còn có thể hãm, sắc, nấu, hầm hoặc ninh… Mỗi ngày có thể dùng từ 2-6g.

Một số bài thuốc đông y với nhân sâm

Nhân sâm có thể dùng tươi hoặc nhân sâm ngâm rượu đều được. Nếu ngâm rượu làm như sau: 50g nhân sâm được thái mỏng đem ngâm 3 lần rượu. Lần đầu ngâm sâm với rượu 35-60 độ khoảng 600ml ngâm 1 tháng. Lần 2 ngâm với 500ml rượu trong 3 tuần, lần 3 thì ngâm còn 400ml trong 2 tuần. Sau 3 lần thì gộp lại dịch chiết trong 3 lần này, ngày uống 20-30ml.

 Dưới đây là một số bài thuốc đông y với nhân sâm theo từng công dụng:

  • Dùng bổ chân khí cho người bị mệt mỏi, sức khoẻ yếu, chán ăn. Bài thuốc tên: Tứ quân tử thang có nguyên liệu: 5g mỗi vị: nhân sâm, bạch truật, bạch linh cùng với 3g cam thảo. Đem tất cả sắc thành thang thuốc uống hoặc làm thành viên hoàn.
  • Dùng điều trị chứng cả khí, huyết đều suy, suy nhược cơ thể, hụt hơi, thiếu máu, xanh xao gầy gò, chân tay vô lực. Bài thuốc tên Bát trân thang có nguyên liệu: các vị của bài thuốc Tứ quân tử thang ở trên cùng với 5g mỗi vị: xuyên khung, bạch thược, đương quy, thục địa. Sắc ngày uống 1 thang dạng sắc hoặc viên hoàn.
  • Dùng điều trị bệnh nặng, lâu ngày, ra máu nhiều gây hôn mê, mạch đập khẽ muốn ngừng, thoát nguy kịch. Bài thuốc tên: Thang độc sâm có nguyên liệu: 4-12g nhân sâm đem chưng cách thuỷ cho uống.
  • Dùng điều trị chứng như trên có kèm ra mồ hôi lạnh, chân tay rã rời vô lực. Bài thuốc tên Thang sâm phụ có nguyên liệu gồm: 3-6g nhân sâm, 12-20g phụ tử đem sắc uống trong ngày.
  • Dùng bổ phổi, giảm hen, điều trị chứng thở gấp. Bài thuốc tên Thang nhân sâm hồ đào có nguyên liệu gồm: 4g nhân sâm và 12g hồ đào đem sắc uống trong ngày.
  • Dùng để kiện tỳ cầm tiêu chảy, điều trị tỳ vị hư nhược, chán ăn, mệt mỏi, đại tiện lỏng hoặc kéo dài. Bài thuốc tên: Thang Tứ quân tử có nguyên liệu gồm: 4g nhân sâm, 12g bạch truật, 12g bạch linh, 4g cam thảo đem sắc uống trong ngày.
  • Dùng điều trị bệnh nhiệt là khô tân dịch, bệnh tiểu đường làm miệng khô họng khát. Bài thuốc tên: Bột Sinh mạch có nguyên liệu gồm: 12g nhân sâm (hoặc đảng sâm), 12g mạch đông, 6g ngũ vị tử đem sắc uống trong ngày.

Lưu ý: nhân sâm có đặc tính phản lê lô, sợ ngũ linh chi. Nghĩa là không dùng nhân sâm chung với củ cải hoặc trà đặc, đậu đen. Không dùng dụng cụ bằng sắt để bào chế nhân sâm.

Những người không nên dùng nhân sâm

  • Người bị đầy hơi, bụng trướng, đau căng tức sôi bụng, phân lỏng, nát hoặc tiêu chảy dùng nhân sâm rất nguy hiểm.
  • Người trào ngược dạ dày, nôn mửa, cao huyết áp không nên dùng.
  • Phụ nữ trước khi sinh không nên dùng nhân sâm.
  • Không dùng cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú.
  • Đối với người bị mất ngủ, đề kháng kém thì dùng nhân sâm buổi sáng, dùng liều lượng thấp từ 2-3g/ngày không hơn. Đặc biệt chú ý không dùng lô sâm (là đầu núm rễ của củ sâm) vì sẽ gây nôn.
  • Trẻ thể trạng yếu, chán ăn, phát triển chậm cả về thể lực và trí tuệ có thể dùng nhân sâm nhưng không lạm dụng quá nhiều sẽ làm trẻ có nguy cơ bị kích dục sớm.
  • Người bị cao huyết áp không nên dùng nhân sâm.

Một số lưu ý khi sử dụng nhân sâm thường xuyên

Nhân sâm tốt cho sức khoẻ tuy nhiên vẫn có các tác dụng phụ khác như:

  • Xuất hiện cảm giác bồn chồn, bị kích thích.
  • Làm giảm lượng đường trong máu gây giảm tập trung, tụt đường máu.
  • Nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ (không nghiêm trọng nhưng gây khó chịu).
  • Nhân sâm làm tăng nhịp tim, huyết áp nên có thể bị nhói tim, vì vậy không nên lạm dụng quá mức có thể gây nhồi máu cơ tim.
  • Có những người bị dị ứng với nhân sâm sẽ có triệu chứng: khó thở, phát ban, ngứa… hoặc nặng là sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
  • Trong nhân sâm có chứa thành phần gây ức chế đông máu, nên người dùng có thể tăng nguy cơ chảy máu.
  • Dùng nhân sâm liều cao có thể dẫn đến tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần.

Trên đây là tất cả các thông tin về nhân sâm mà Vivita cung cấp đến người đọc. Bất kỳ ai có ý định sử dụng nhân sâm cần đọc kỹ thông tin và có kiến thức để sử dụng nhân sâm mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Dược sĩ Ngọc Trúc

Đã kiểm duyệt nội dung

Xem thông tin

Có thể bạn quan tâm



Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)

Exit mobile version