Virus Marburg là gì? Có nguy hiểm không? Triệu chứng nhiễm
Xem nhanh nội dung bài viết
Virus Marburg là tác nhân gây xuất huyết vô cùng nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao gần giống với virus Ebola với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Mới đây nhất, đã ghi nhận đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên tại vùng Guinea Xích đạo (Tây Phi) với ít nhất 9 ca tử vong.
Marburg virus là gì?
Virus Marburg là một loại virus RNA thuộc họ Filovirus gây ra bệnh sốt xuất huyết hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, ngày nay còn gọi là Bệnh do virus Marburg (MVD), virus này ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng không phải con người.
Nguồn gốc virus Marburg
TS.BS Phùng Mạnh Thắng – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây là một loại virus đã xuất hiện từ rất lâu, ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi các đợt sốt xuất huyết bùng phát tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) và tại các vùng Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). Các thống kê cho thấy có tất cả 31 người bị nhiễm bệnh, trong đó nhân viên làm tại phòng thí nghiệm là những bệnh nhân đầu tiên do đã tiếp xúc với khỉ xanh châu Phi từ Uganda hoặc do tiếp xúc với mô của loài này trong quá trình nghiên cứu. Tiếp đến là những nhân viên y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân.
Đợt bùng dịch này, có 7 trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo là đã tử vong. Các trường hợp nhiễm bệnh tiếp theo được ghi nhận tại Angola, Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda.
Virus Marburg tồn tại trong vật chủ là một loài dơi ăn quả tại châu Phi có tên khoa học là Rousettus aegyptiacus được tìm thấy trong các hang động và hầm mỏ. Đặc biệt, loài dơi này lại không có biểu hiện rõ ràng khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những động vật khác và người nhiễm bệnh lại có triệu chứng nghiệm trọng với tỷ lệ tử vong cao.
Con đường lây nhiễm virus Marburg
Theo bác sĩ Thắng, virus Marburg có thể lây truyền sang con người thông qua hai con đường:
- Lây nhiễm từ dơi ăn quả sang người:
Phần lớn các trường hợp bùng phát MVD có liên quan đến việc con người tiếp xúc lâu dài với các hầm mỏ – nơi có dơi Rousettus nhiễm bệnh sinh sống. Những con dơi bị bệnh cũng có thể truyền bệnh cho các động vật khác, sau đó con người có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần hoặc chạm vào chất dịch của động vật nhiễm bệnh.
- Lây nhiễm giữa con người với nhau:
Con người có thể bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm bệnh (qua da bị xước hoặc niêm mạc bị thương) hoặc các chất dịch của người nhiễm bệnh như: giọt bắn đường hô hấp, nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, phân, chất nôn, sữa mẹ,…). Hoặc có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt có dính dịch tiết của người nhiễm bệnh.
Virus Marburg cũng có thể lây nhiễm qua đường tình dục khi tiếp xúc với tinh dịch của người đã khỏi bệnh, một nghiên cứu cho thấy, loại virus này có thể tồn tại trong tinh dịch của một người ngay cả khi người đó đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy virus có thể lây lan qua tiếp xúc với dịch âm đạo của phụ nữ.
Ngoài ra, virus Marburg cũng có thể lây truyền cho thai nhi nếu người mẹ bị nhiễm bệnh, virus này có thể tồn tại trong nước ối và nhau thai. Các triệu chứng ở thai phụ khi nhiễm bệnh thường nghiêm trọng hơn người bình thường, đa phần thường dẫn đến việc lưu thai hoặc sảy thai. Đối với phụ nữ cho con bú, virus cũng tồn tại trong sữa mẹ và lây qua con con khi bú mẹ.
Các ca nhiễm virus Marburg đã được ghi nhận
Các ca nhiễm virus Marburg trên thế giới
- Năm 1975: Một người đàn ông du lịch đến Zimbabwe được đưa vào bệnh viện ở Nam Phi. Virus lây lan từ người đàn ông này sang người bạn đồng hành và một y tá chăm sóc tại bệnh viện. Người đàn ông này đã tử vong, nhưng cả hai người bị lây bệnh được điều trị tích cực và đã hồi phục .
- Năm 1980: Gần đây tại chuyến thăm Hang Kitum ở Công viên Quốc gia Núi Elgon của Kenya, dù được chăm sóc đặc biệt nhưng một nam bệnh nhân đã tử vong. Một bác sĩ hồi sức đã xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh sau 9 ngày nhưng đã hồi phục.
- Năm 1987: Tại Đan Mạch, một cậu bé 15 tuổi đã nhập viện với triệu chứng đau đầu, khó thở, sốt và nôn 3 ngày. Chín ngày trước khi phát bệnh, cậu bé đã đến thăm quan hang Kitum ở Công viên quốc gia Mount Elgon. Bệnh nhân đã tử vong vào ngày thứ 11 sau khi phát bệnh.
- Năm 1990: Một trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận trong phòng thí nghiệm ở Nga.
- Năm 1998-2000: Tại một mỏ vàng ở Durba, 154 ca là các nam công nhân được ghi nhận. Các trường hợp sau đó được phát hiện tại ngôi làng lân cận Watsa .
- Năm 2004-2005: Đợt bùng phát bắt đầu ở tỉnh Uige vào tháng 10 năm 2004, ghi nhận 252 ca mắc. Hầu hết các trường hợp sau đó được phát hiện ở các tỉnh khác đều có liên quan đến đợt bùng phát ở Uige.
- Năm 2007: Mỏ chì và vàng ở Quận Kamwenge, Uganda ghi nhận 4 ca đều là các nam thanh niên làm việc trong hầm mỏ.
- Năm 2008: Một du khách Hoa Kỳ trở về vào tháng 1 năm 2008 sau khi tham quan hang động trong rừng Maramagambo ở Uganda. Bệnh nhân có triệu chứng phát bệnh 4 ngày sau khi trở về, nhập viện và sau đó đã hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm virus Marburg.
- Năm 2012: Uganda đã xác định được một đợt bùng phát bệnh trong 3 tuần do vi rút Marburg ở các quận Kabale, Ibanda, Mbarara và Kampala.
- Năm 2014: Một trường hợp đã được xác nhận là tử vong và 197 người tiếp xúc đã được theo dõi trong 3 tuần. Trong số 197 người này, 8 người đã phát triển các triệu chứng tương tự như nhiễm virus Marburg, nhưng tất cả đều cho kết quả âm tính tại Viện Nghiên cứu Virus Uganda.
- Năm 2017: Một mẫu xét nghiệm từ Quận Kween ở miền Đông Uganda đã cho kết quả dương tính với virus Marburg.
- Năm 2021: Một trường hợp đã được Bộ Y tế Guinea báo cáo và xác nhận ở một bệnh nhân sau khi tử vong. Không có trường hợp nào được xác nhận sau 21 ngày theo dõi hơn 170 người tiếp xúc nguy cơ cao.
- Năm 2022: Một trường hợp tử vong nghi ngờ do virus Marburg đã được báo cáo ở vùng Ashanti của Ghana vào ngày 7 tháng 7 năm 2022. MVD ban đầu phát hiện tại phòng thí nghiệm quốc gia Ghana, đánh dấu lần đầu tiên phát hiện MVD ở Ghana. Ngay sau đó, hai thành viên khác trong gia đình người bệnh cũng được xác nhận mắc MVD. Dịch bệnh kết thúc vào tháng 9 năm 2022.
Các ca nhiễm virus Marburg tại Việt Nam
Hiện nay tại Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm virus Marburg nào. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động tăng cường giám sát và phòng chống dịch bệnh, không để dịch lan tràn vào Việt Nam. Đề nghị Sở Y tế các tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, đặc biệt là người về từ các quốc gia châu Phi cần được theo dõi trong vòng 21 ngày.
Triệu chứng khi nhiễm virus Marburg
Sau khi nhiễm virus Marburg, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài trong 2-21 ngày, virus không lây lan trong khoảng thời gian này. Diễn biến lâm sàng của bệnh có thể được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Sau khi phát bệnh 1-4 ngày:
Các triệu chứng trong giai đoạn này thường giống với bệnh cúm và biểu hiện như sau:
- Sốt cao 39-40 độ, đau đầu, đau ngực, đau họng, lạnh, khó chịu trong người, mệt mỏi, đau nhức cơ.
- Thông thường, có khoảng 50 – 75% bệnh nhân suy nhược nhanh chóng vào ngày thứ 3, có biểu hiện như chán ăn, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Giai đoạn 2: Sau khi phát bệnh 5-14 ngày:
Một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh do nhiễm virus Marburg trở nên nghiêm trọng trong giai đoạn này. Cụ thể như sau:
- Phát ban dạng sần, không ngứa, chủ yếu trên thân mình, phổ biến trong khoảng ngày thứ 5 sau khi phát bệnh.
- Một số bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nặng sau 5-7 ngày phát bệnh như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, chảy máu tự phát tại các vị trí tĩnh mạch.
- Đông máu nội mạch lan tỏa, giảm bạch huyết, giảm tiểu cầu.
- Sốt cao liên tục có thể ảnh hưởng đến thần kinh gây lú lẫn, co giật.
- Có thể sụt cân nghiêm trọng, vàng da, viêm tuyến tụy, mê sảng, suy gan và rối loạn chức năng đa cơ quan.
Giai đoạn 3: Sau 13 ngày phát bệnh:
Trong giai đoạn này, bệnh nhân hoặc là bị virus tác động sâu đến cơ quan nội tạng hoặc là trong quá trình hồi phục:
- Các triệu chứng như mất phương hướng, kích động và hôn mê… có thể xảy ra trong giai đoạn cuối cùng này.
- Tình trạng viêm tinh hoàn xảy ra với nam giới.
- Việc can thiệp y tế và chăm sóc sớm có thể làm tăng khả năng sống sót. Tuy nhiên, người khỏi bệnh có thể trải qua các biểu hiện khác nhau do di chứng như: suy nhược, đau cơ, viêm gan, viêm mắt, rụng tóc,… Những người đã khỏi bệnh thường hồi phục chậm vì virus có thể tồn tại trong cơ thể vài tuần sau đó.
Một số lưu ý là tỷ lệ tử vong do nhiễm bệnh khoảng 50%, thường là sau 8 – 9 ngày phát bệnh, chủ yếu là do sốc, chảy máu trong và suy cơ quan đa tạng nghiêm trọng.
Chẩn đoán nhiễm virus Marburg
Trong giai đoạn đầu của MVD, việc phát hiện virus có thể thông qua mẫu ngoáy mũi, họng, mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu. Các mẫu này có thể được chẩn đoán qua các phương pháp sau:
- Xét nghiệm ELISA
- Các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên
- Xét nghiệm trung hòa huyết thanh
- Xét nghiệm RT-PCR
- Phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào
Virus Marburg có nguy hiểm không?
Virus Marburg không phải loại virus mới nhưng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao lên đến 90%. Theo các chuyên gia, đây là một căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, với các triệu chứng kể trên, virus xâm nhập vào cơ thể, gây ảnh hưởng lớn đến các cơ quan nội tạng, làm suy giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể bệnh nhân kể cả khi đã khỏi bệnh.
Phương pháp phòng ngừa virus Marburg
Để phòng tránh loại virus này, người dân cần phát hiện sớm và tránh tiếp xúc với các loại động vật hoang dã có nguy cơ mang mầm bệnh cao, đặc biệt là loài dơi ăn quả, tránh ăn sống thịt động vật. Khi nghi ngờ mình tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc người đi nước ngoài về, đặc biệt là các nước châu Phi, cần báo cho chính quyền, các cơ sở y tế để theo dõi và chữa trị kịp thời.
Virus Marburg có vắc xin phòng ngừa không?
Hiện nay không có loại vắc xin nào được sử dụng để phòng ngừa virus Marburg. Ba nhà phát triển vắc xin gồm Janssen Pharmaceuticals, Sabin Vaccine Institute và Public Health Vaccines cho biết sẽ sớm cung cấp những liều vắc xin thử nghiệm trong đợt bùng phát tại Guinea Xích Đạo ngay thời điểm này.
GS. John Edmunds, chuyên gia dịch tễ tại trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London cho rằng: “Nếu nhìn vào lịch sử các đợt bùng dịch Marburg, các ổ dịch này có quy mô nhỏ và thường được dập tắt khi các biện pháp ngăn ngừa dịch được đưa ra.”
Virus Marburg có thuốc điều trị không?
Hiện nay, virus Marburg không có phương pháp điều trị đặc hiệu, phương pháp duy nhất là phát hiện và điều trị sớm. Thuốc hỗ trợ bao gồm acetaminophen dùng cho giảm đau và hạ sốt, dimenhydrinate để kiểm soát buồn nôn, thuốc kháng sinh dùng khi xảy ra bội nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hỗ trợ người bệnh sớm với bù nước và điều trị các triệu chứng xuất hiện giúp cải thiện tỷ lệ sống sót. Bên cạnh đó, WHO cũng thông báo một loạt các phương pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp máu cũng đang được nhanh chóng nghiên cứu và phát triển.
Nguồn tham khảo:
- https://www.cdc.gov/vhf/marburg/index.html
- https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/marburgvirus
- https://en.wikipedia.org/wiki/Marburg_virus_disease
- https://vtv.vn/
- https://soyte.hanoi.gov.vn/
- https://vietnamnet.vn/