#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Tất Tần Tật Thông Tin Cần Biết Về Vitamin C Và Cách Dùng Đúng

Vitamin C là một loại vitamin thiết yếu trong hầu như tất cả mọi sinh vật sống mà chắc hẳn ai ai cũng đều biết. Trong mỗi đợt dịch bệnh hoặc thời điểm giao mùa mà chúng ta dễ bị bệnh, vai trò của vitamin C lại là một chủ đề mà tất cả mọi người đều quan tâm. Đó là thời điểm mà mọi nhà thuốc luôn cháy mặt hàng thuốc cũng như thực phẩm chứa vitamin C vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu người dùng.

Vitamin C là gì? Uống vitamin C mỗi ngày có tốt không? 

Khái niệm

Vitamin C hay còn gọi acid Ascorbic – là một vitamin thiết yếu cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Vitamin C đóng một vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch tuy nhiên cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên bổ sung vitamin C qua chế độ ăn uống hơn là sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng.

vitamin C là gì

Trong lịch sử, vitamin C được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị bệnh Scorbut – cũng chính là lý do ra đời cái tên acid Ascorbic. Ngày nay, vitamin C được sử dụng rộng rãi để tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh thông thường.

Một người bình thường có thể bổ sung vitamin C hằng ngày với liều lượng không quá 2,000 miligam /ngày để tránh gây tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa.

Phân loại

Có 3 dạng vitamin C được biết đến nhiều hiện nay:

  • L-ascorbic Axit (LAA). Đây là dạng hoạt chất kém bền nhất và dễ bị oxy hóa khi tiếp xúc  nhiệt độ cao, không khí và ánh sáng mặt trời.
  • Magnesium Ascorbyl Phosphate (MAP): là cấu trúc có tính ổn định nhất
  • Sodium Ascorbyl Phosphate (SAP): là một dạng muối của vitamin C
  • Ngoài ra, một vài cấu trúc khác của vitamin C như: Ascorbyl-6-palmitate, Tetrahexyldecyl Ascorbate.

Có những dạng chế phẩm của vitamin C nào

Chế phẩm viên nén vitamin C

Trên thị trường hiện có nhiều chế phẩm cung cấp vitamin cho cơ thể, ở các dạng như:

– Viên nén uống: hàm lượng 100mg, 250mg, 500mg, 1000mg, 1500 mg.

– Viên nén nhai: 500mg, 1000mg, 1500mg.

– Viên nang uống: 500mg.

– Dạng thuốc lỏng để uống: 500mg/5ml.

– Dạng siro để uống: 500mg/ml.

– Dạng thuốc tiêm: 250mg/ml, 500mg/ml.

Uống vitamin C có tác dụng gì?

Vai trò của Vitamin C đối với cơ thể

Giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh

Vitamin C kích thích cơ thể tăng sản xuất bạch cầu và bảo vệ bạch cầu tránh khỏi các tổn thương do các gốc tự do. Bạch cầu tham gia vào hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể đề kháng với mọi tác nhân gây hại. Nghiên cứu đã cho thấy, một người đang bị cảm lạnh khi sử dụng vitamin C sẽ giảm số ngày mắc bệnh lên đến 1 – 1,5 ngày.

Tăng khả năng hấp thụ sắt

Vitamin C là chất oxy hóa, do đó vitamin C có tác dụng khử Fe3+ thành Fe2+. Chỉ có dạng sắt (II) thì cơ thể mới có thể hấp thu được. Vai trò này giúp phòng tránh bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Tăng hiệu quả hoạt động thể chất

Các nghiên cứu y học cho thấy, vitamin C có vai trò quan trọng với sự hoạt động của xương, cơ bắp, mạch máu và các mô liên kết. Vì vậy bổ sung vitamin C giúp tăng hiệu quả hoạt động thể chất. Những người ở tuổi vị thành niên sau khi bổ sung vitamin C sẽ cải thiện lượng oxy trong khi tập luyện đáng kể.

Tăng sức bền thành mạch. Hạn chế bệnh tim mạch, giảm nguy cơ bị đột quỵ

Vitamin C tham gia vào cấu trúc bền vững thành mạch máu. Đây là thành phần không thể thiếu cho các bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ… Vitamin C cũng bảo vệ mạch máu ở các bệnh nhân tăng huyết áp.

Ngoài ra, vitamin C giảm tình trạng cholesterol trong máu và làm giảm mức LDL-C có hại và làm tăng HDL-C có lợi. Giúp ổn định mức huyết áp, chống tạo cục máu đông để giảm thuyên tắc mạch. Từ đó, vitamin C có hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ bị đột quỵ.

Bổ sung dưỡng chất bảo vệ thị lực

Uống đều đặn vitamin C cùng với vitamin E, beta-carotene và kẽm sẽ giúp ngăn bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.

Chống lão hóa da

Vitamin C là một chất hỗ trợ hấp thu và chuyển hóa collagen. Do đó vitamin C tham gia vào vai trò bảo vệ và chống lão hóa da. Nếu bạn bị thương, uống vitamin C sẽ giúp cho vết thương nhanh lành hơn. 

Vai trò của Vitamin C đối với cơ thể: chống lão hóa, chống nắng, làm sáng da

Chống nắng, làm sáng da

Tính chất oxy hóa của vitamin C giúp bảo vệ làn da dưới tác động của tia nắng mặt trời cũng như các loại ánh sáng xanh. Những vết nám, tàn nhang có thể giảm độ đậm màu nếu bạn biết sử dụng vitamin C đúng cách. Uống vitamin C đều đặn một thời gian cũng sẽ giúp làn da của bạn sáng đều màu hơn.

Dấu hiệu nhận biết thiếu Vitamin C

Cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin C, vì vậy nếu bạn có chế độ ăn không đầy đủ, khả năng thiếu hụt vitamin C rất cao. Đây là các dấu hiệu nhận biết rằng bạn đang thiếu vitamin C

  • Chảy máu chân răng. Chảy máu cam
  • Xuất huyết dưới da, bầm tím.
  • Chậm liền vết thương. Vết thương dễ bị nhiễm trùng hơn
  • Da bị khô và nhăn. Sạm da
  • Các triệu chứng khác như:
    • Mệt mỏi và hay cáu kỉnh
    • Dễ mắc bệnh vặt do suy giảm miễn dịch
    • Giảm thị lực do thoái hóa điểm vàng.

Nhu Cầu Bổ Sung Vitamin C Theo Độ Tuổi

Lượng Vitamin C cần dùng mỗi ngày là bao nhiêu

Theo độ tuổi và giới tính khác nhau mà nhu cầu bổ sung vitamin C cũng khác nhau

Trẻ em

Lứa tuổi                       Lượng tiêu thụ khuyến nghị

  • 0-6 tháng………………… 40 mg/ngày
  • 7-12 tháng ……………….50 mg/ngày
  • 1-3 tuổi ………………….  15 mg/ngày
  • 4-8 tuổi …………………… 25 mg/ngày
  • 9-13 tuổi …………………. 45 mg/ngày

Nữ giới

Lứa tuổi                                              Lượng tiêu thụ khuyến nghị

  • 14-18 tuổi…………………………………..  65 mg/ngày
  • 19 tuổi ………………………………………. 75 mg/ngày
  • Mang thai từ 18 tuổi trở xuống ……..  80 mg/ngày
  • Mang thai từ 19 tuổi trở lên ………….  85 mg/ngày
  • Cho con bú Từ 18 tuổi trở xuống…… 115 mg/ngày
  • Cho con bú từ 19 tuổi trở lên ……….. 120 mg/ngày

Nam giới

Lứa tuổi                          Lượng tiêu thụ khuyến nghị

  • 14-18 tuổi ……………. 75 mg/ngày
  • 19 tuổi trở lên ………. 90 mg/ngày

Cách bổ sung Vitamin C Hiệu Quả

Các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên bổ sung các loại vitamin một cách tự nhiên thông qua chế độ ăn đủ chất, đủ lượng. Vitamin C cũng không ngoại trừ. Những người có sức khỏe bình thường nên cung cấp vitamin C từ thực phẩm hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Ngoài ra, nếu cơ thể đang cần lượng vitamin C nhiều hơn, ví dụ ở người đang bị cảm lạnh, cảm cúm, mắc các bệnh khác… cần tăng cường sức đề kháng. Vitamin C có thể được bổ sung qua con đường khác như đường uống và đường tiêm. 

Cần bổ sung đúng theo hướng dẫn: viên nhai thì cần nhai hết trước khi nuốt, nếu sử dụng viên nén hoặc viên nang thì không nên nghiền nát hay nhai viên thuốc.

Những trường hợp bệnh lý hoặc thiếu vitamin C trầm trọng mà bác sĩ chỉ định thì mới được bổ sung vitamin C dưới dạng tiêm.

Những thực phẩm giàu vitamin C

Các loại trái cây họ cam quýt

Đây là một họ có khá đa dạng trái cây bổ sung hàm lượng C cao. Chúng ta vẫn thường uống nước cam, nước chanh để nhanh phục hồi lại sức khỏe sau khi đi ngoài nắng về hoặc sau khi làm việc mệt mỏi.

Một quả cam trung bình cung cấp 70 mg vitamin C. Một quả chanh cung cấp 77 mg. Quýt là 55 mg. Bưởi là 95 mg

Quả ổi

Theo các nghiên cứu, ổi là loại quả chứa hàm lượng vitamin C nhiều nhất. Trong 100 gam ổi có chứa lên đến 200 mg vitamin C. So với cam thì hàm lượng này cao gấp 4 lần. Ổi cũng chứa vitamin A, acid folic, các khoáng chất như kali, đồng, mangan và giàu chất xơ. Ổi lại có giá thành rẻ, gần gũi với tất cả mọi người, mọi gia đình Việt Nam.

Đu đủ

Mỗi 100g đu đủ chứa tới 74 – 80 mg vitamin C. Ngoài ra, đu đủ còn cung cấp lượng lớn caroten kết hợp cùng vitamin C bổ trợ cho mắt. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2 và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm…

Bông cải xanh

Bông cải xanh rất giàu vitamin C. Cứ 100g bông cải xanh chứa 89 mg vitamin C. Bổ sung bông cải xanh cũng là một cách dễ dàng để bạn cung cấp C cho cơ thể. Bông cải xanh có thể chế biến thành nhiều món, nhưng bạn nên chế biến món luộc/ hấp để giữ được lượng vitamin C trong đó.

Ớt vàng ngọt

Ớt vàng ngọt chứa lượng vitamin C rất cao: 183 mg vitamin C trong 100g. Ớt ngọt cũng là một thực phẩm được khuyên dùng nhằm ngăn ngừa đục thủy tinh thể theo tuổi tác.

Nói chung, các loại trái cây rau củ có chứa vitamin C nhưng không thể đảm bảo cơ thể lấy được hoàn toàn lượng vitamin C này. Do vitamin C dễ bị phân hủy bởi nhiệt cao và ánh sáng. Bạn nên ăn trái cây, rau củ ở dạng chưa qua chế biến hoặc hạn chế tối thiểu việc chế biến. Bạn có thể ăn sống hoặc uống nước ép, xay sinh tố cũng là một cách hay để giữ được lượng vitamin C tối đa trong rau củ trái cây.

Lưu ý khi sử dụng vitamin C

  • Nên uống nhiều nước khi uống viên vitamin C. Vitamin C tan tốt trong nước nên uống nhiều nước sẽ giúp quá trình hấp thu và đào thải tốt hơn.
  • Nếu bạn đang dùng liều cao liên tục vitamin C, không ngưng sử dụng đột ngột. Vì cơ thể dễ xảy ra thiếu vitamin C hồi ứng, với các biểu hiện: xuất huyết dưới da, chảy máu nướu răng, uể oải, mệt mỏi…
  • Nếu gặp phải tình trạng bất thường sau khi sử dụng vitamin C, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Sau đây là một số câu hỏi thường gặp:

Tác dụng phụ khi sử dụng vitamin C có thể gặp phải?

Vitamin C hay như chính cái tên acid Ascorbic đã cho thấy tính chất acid của nó. Với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, bạn có thể cảm thấy xót ruột, đau bụng sau khi uống vitamin C, đặc biệt là uống lúc bụng đói. Các triệu chứng khác như là:nôn, buồn nôn, tiêu chảy, xuất hiện chứng ợ nóng; mệt mỏi, đau đầu, đỏ bừng…

Khi sử dụng quá liều dài ngày, bạn có thể gặp phải các tình trạng:

  • Viêm thực quản
  • Tắc ruột làm tắc nghẽn quá trình thức ăn đi qua ruột già và ruột non.
  • Co thắt dạ dày
  • Buồn ngủ hoặc mất ngủ kéo dài.
  • Tăng oxalat niệu, nguy cơ sỏi thận
  • Một số người cơ địa dị ứng có thể có mẩn đỏ da, ngứa.

Vitamin C uống lúc nào tốt nhất?

Vitamin C được hấp thu tối đa là khi bụng đói. Tuy nhiên để tránh tình trạng đau dạ dày, bạn nên uống vitamin C sau bữa ăn. Nên bổ sung vitamin C vào buổi sáng hoặc buổi trưa sau khi ăn no. Một số người uống vitamin C vào buổi tối có thể bị mất ngủ. Bổ sung vitamin C thời điểm ban đêm cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận cao hơn.

Những ai không nên uống vitamin C?

Những người không nên uống vitamin C là:

  • Người có chế độ ăn đảm bảo lượng vitamin C từ tự nhiên
  • Phụ nữ mang thai không nên tự ý uống vitamin C hàm lượng cao liên tục
  • Người có tiền sử sỏi thận, tăng oxalat niệu
  • Người bị rối loạn chuyển hóa oxalat (tăng nguy cơ sỏi thận)
  • Người chuẩn bị thực hiện các xét nghiệm liên quan đến phản ứng sinh hóa

Không nên dùng chung Vitamin C với những thực phẩm và thuốc nào?

Về cơ bản, viên uống vitamin C không chống chỉ định dùng chung với bất kỳ thuốc hay thực phẩm nào. Tuy nhiên, một số thuốc sau đây có ít nhiều sự tương tác với vitamin C. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu bạn đang trong thời gian điều trị bằng bất kỳ thuốc nào dưới đây:

  • Aspirin và NSAIDs: vitamin C liều cao có thể làm tăng nồng độ các thuốc này trong máu, tích tụ thuốc gây quá liều. Nguyên nhân là do sự giảm đào thải các thuốc có tính acid qua nước tiểu.
  • Vitamin C liều cao có thể phá hủy vitamin B12. Vitamin B12 là một thành phần thiết yếu nhưng cơ thể không thể tổng hợp. Thiếu vitamin B12 gây ra bệnh thiếu máu và các bệnh liên quan thần kinh. Cần tránh uống vitamin C liều cao trong vòng một giờ trước hoặc sau khi uống vitamin B12.
  • Vitamin C có thể làm giảm hấp thụ Selen (uống cách nhau ít nhất 4 giờ).
  • Các thuốc trung hòa acid dạ dày có chứa nhôm (Al): uống vitamin C có thể làm tăng sự hấp thụ nhôm vào máu. Thông thường các thuốc trung hòa acid cần tác động tại chỗ (trong lòng dạ dày) nên việc hấp thụ thuốc vào máu là không cần thiết. Và điều này cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn khác.
  • Thuốc tránh thai đường uống và liệu pháp thay thế hormone: Vitamin C có thể gây ra sự gia tăng nồng độ estrogen khi dùng chung với những loại thuốc này. Estrogen đường uống cũng có thể làm giảm tác dụng của vitamin C trong cơ thể.
  • Tetracycline: Một số bằng chứng cho thấy rằng dùng vitamin C với kháng sinh Tetracycline có thể làm tăng nồng độ thuốc này; đồng thời, cũng có thể làm giảm tác dụng của vitamin C trong cơ thể.

Những ai không nên uống vitamin C?

  • Chống chỉ định bổ sung vitamin C bệnh nhân có rối loạn về máu như Thalassemia, thiếu men G6PD, bệnh hồng cầu hình liềm và huyết sắc tố.
  • Bệnh nhân tiểu đường nên theo dõi đường huyết khi bổ sung vitamin C liều cao kéo dài, do vitamin C sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
  • Sử dụng vitamin C thận trọng ở bệnh nhân có bệnh thận oxalat hoặc sỏi thận.

Trên đây Vivita.vn đã chia sẻ đến các bạn đọc Tất Tần Tật Thông Tin Cần Biết Về Vitamin C Và Cách Dùng Đúng. Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp các bạn biết cách sử dụng Vitamin C hiệu quả hơn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng bình luận bên dưới bài viết để được các Chuyên viên giải đáp.

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)

Exit mobile version