#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Mẹo Chữa Nghén Cho Bà Bầu Bằng Thực Phẩm Ngay Tại Nhà

Ốm nghén là trạng thái sinh lý rất thường gặp ở phụ nữ mang thai với những biểu hiện đặc trưng như buồn nôn, nôn, mệt mỏi,… Đây là giai đoạn khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng vì tình trạng sức khỏe suy giảm và việc bổ sung dinh dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Hành trình mang thai luôn là thời gian hạnh phúc nhất của người mẹ. Tuy nhiên, một số mẹ bầu phải trải qua giai đoạn ốm nghén vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý. Các mẹ có thể tham khảo một số mẹo chữa nghén cho bà bầu vô cùng đơn giản, an toàn và có thể áp dụng ngay ở nhà với những thực phẩm xung quanh mình.

Vì sao nên áp dụng các mẹo chữa nghén cho bà bầu

Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Trong giai đoạn này, mẹ bầu thường có cảm giác buồn nôn, nôn ói, chán ăn, mệt mỏi và thiếu năng lượng. Do đó, người mẹ không được cung cấp đủ dinh dưỡng để nuôi thai nhi. Mà đây chính là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong thai kỳ.

Việc áp dụng một số mẹo chữa nghén đơn giản giúp cải thiện tình trạng ốm nghén cho mẹ. Từ đó, tăng cường sức khỏe người mẹ, đảm bảo sự phát triển cho thai nhi.

Một số thực phẩm rất phổ biến trong cuộc sống như chanh, gừng, ô mai, mật ong, mía, … có thể giảm ốm nghén hiệu quả, nhanh chóng mà không cần dùng đến thuốc tây. Từ đó, cải thiện tình trạng buồn nôn, tăng vị giác, tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện sức khỏe của người mẹ mà không hại đến thai nhi.

ap-dung-meo-chua-nghen-cho-ba-bau
Áp dụng một số mẹo chữa nghén đơn giản giúp cải thiện tình trạng ốm nghén cho mẹ

Mẹ bầu bị ốm nghén sẽ trải qua những gì?

Các triệu chứng ốm nghén gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, cuộc sống hàng ngày của người mẹ. Mỗi người lại có tình trạng nghén khác nhau về thời điểm, triệu chứng, mức độ.

  • Triệu chứng hay gặp nhất là buồn nôn và nôn và thường xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nhiều nhất là vào buổi sáng và khi có sự kích thích về mùi, vị. Trong một số trường hợp, nếu mẹ bầu nôn nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất nước khá nguy hiểm.
  • Sự thay đổi tâm lý và nhạy cảm với mùi vị của thức ăn khiến mẹ bầu ăn uống không ngon, chán ăn.
  • Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ bầu thường sụt cân và không được bổ sung đủ chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy yếu.

Thông thường, từ tuần thứ 12, tình trạng nghén sẽ giảm dần. Mẹ bầu có thể tăng cường ăn uống để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. 

Triệu chứng ốm nghén thường gặp là có cảm giác buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, …

Mẹo chữa nghén cho bà bầu bằng thực phẩm ngay tại nhà

Trà gừng pha với vỏ quýt

Gừng vừa là một vị thuốc vừa là gia vị thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều trường trường hợp chữa nghén bằng gừng mang lại hiệu quả tốt. Mẹ bầu có thể sử dụng gừng tươi giúp giảm buồn nôn và nôn mửa liên quan đến thai kỳ. Cùng với đó, khi pha trà gừng với vỏ quýt sẽ làm tăng tác dụng giảm buồn nôn. Tinh dầu trong vỏ quýt giúp mẹ bầu thư giãn, tinh thần thoải mái và giảm mệt mỏi trong thời gian ốm nghén.

Hướng dẫn cách làm

  • Chuẩn bị nguyên liệu: gừng tươi 3 lát, vỏ của 2 quả quýt tươi.
  • Trước tiên, vỏ quýt rửa sạch, cạo lớp trắng bên trong, rồi thái thành sợi nhỏ. Gừng cũng đem làm sạch và thái thành sợi nhỏ.
  • Đun sôi gừng với vỏ quýt khoảng 5 phút với 2 chén nước.

Cách uống: uống khi nước còn ấm giúp giảm cảm giác buồn nôn rất tốt.

Nước mía gừng tươi

Mía rất giàu vitamin như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C và các khoáng chất thiết yếu như sắt, magie, canxi. Ngoài ra, nguồn chất xơ hòa tan, chất chống oxy hóa dồi dào làm cho nước mía trở thành một thức uống bổ dưỡng, thơm ngon được mẹ bầu ưa thích.

Nước mía kết hợp với gừng tươi là cách giảm buồn nôn, nôn vô cùng hiệu quả. Chỉ cần uống một chút hỗn hợp nước này, cũng đã làm giảm sự khó chịu ở dạ dày, cổ họng. Ngoài ra, mẹo chữa nghén cho bà bầu bằng nước mía gừng tươi còn giúp cải thiện vị giác.

Hướng dẫn cách làm

  • Chuẩn bị nguyên liệu: mía tím 300g, gừng tươi 5g.
  • Đầu tiên, lấy mía tím nướng cho nóng, bỏ vỏ ép lấy nước. Gừng giã nhỏ cho vào nước mía quấy đều, chắt lấy nước bỏ bã.

Cách uống: Chia 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn 30 phút. Nên uống liên tục trong 3 – 5 ngày để thấy hiệu quả.

Nước mía gừng tươi là thức uống bổ dưỡng chữa nôn nghén được các mẹ bầu yêu thích

Nước ô mai pha với gừng

Ô mai mơ/sấu có vị chua, ngọt giúp làm giảm cơn buồn nôn, cải thiện tình trạng ốm nghén cho mẹ bầu. Vì vậy, uống nước ô mai gừng là một mẹo chữa nghén cho bà bầu hiệu quả mà mẹ nào cũng yêu thích.

Hướng dẫn cách làm

  • Chuẩn bị nguyên liệu: ô mai mơ/sấu 20 quả, gừng tươi 5g, đường đỏ 30g.
  • Đầu tiên, cho hết nguyên liệu vào nồi, thêm 400ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước đặc.

Cách uống: Chia 3 lần uống trong ngày, trước ăn cơm 20 phút. Nên uống liên tục trong 3 – 5 ngày để thấy có hiệu quả.

Uống nước ô mai gừng là một mẹo chữa nghén cho bà bầu hiệu quả

Me, sấu ngâm gừng

Me có vị chua thanh, giúp giảm tình trạng nôn nghén, chán ăn cho phụ nữ mang thai. Trong trái me có khoảng 14% acid tartaric và lượng nhỏ acid malic giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện vị giác và tăng cảm giác thèm ăn.  

Me kết hợp với sấu, gừng làm giảm tình trạng nôn nghén và tăng khẩu vị cho mẹ bầu.

Hướng dẫn cách làm

  • Chuẩn bị nguyên liệu: sấu quả 200g, me quả 200g, gừng 10g, đường trắng 30g.
  • Trước tiên, sấu cạo cho sạch vỏ rồi đem hấp chín, me bóc bỏ vỏ cứng.
  • Gừng giã nhỏ trộn với đường, cho vào cùng quả me, sấu trộn đều, đường tan hết là được.

Cách dùng: dùng khi có cảm giác buồn nôn hoặc nhạt miệng.

Me có vị chua thanh, giúp giảm tình trạng nôn nghén, chán ăn cho mẹ bầu

Nước lá tía tô với vỏ quýt, gừng tươi

Lá tía tô có vị cay, tính ấm, giúp giảm nôn nghén khi mang thai. Mẹ bầu có thể dùng lá tía tô chế biến thành các món ăn trong thực đơn hoặc pha nước uống hàng ngày. Mẹo chữa nghén cho bà bầu có thể áp dụng với lá tía tô là kết hợp với vỏ quýt, gừng tươi pha thành nước.  

Hướng dẫn cách làm

  • Chuẩn bị nguyên liệu: Lá tía tô 20g, vỏ quýt 6g, gừng tươi 3 lát.
  • Đầu tiên, lá tía tô đem rửa sạch.
  • Sau đó, cho tía tô với vỏ quýt, gừng tươi vào trong nồi. Thêm 500ml nước và đun sôi trong vòng 2 – 3 phút. Đem chắt lấy nước.

Cách uống: Chia 3 lần uống trong ngày.

Chanh và nước chanh

Chanh là một loại quả có nhiều lợi ích giúp giảm ốm nghén khi mang thai. Ngửi chanh, vỏ chanh hoặc uống nước chanh là những giải pháp hữu hiệu giúp mẹ bầu giảm bớt cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, chanh có nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho mẹ bầu.

Có thể sử dụng chanh theo các cách sau:

Cách 1: Pha chanh với mật ong trong nước ấm để uống vào buổi sáng hàng ngày.

Cách 2: Nước ép chanh táo cũng là mẹo chữa nghén cho bà bầu có thể áp dụng. Táo có vị ngọt, chứa các acid hữu cơ hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa tốt hơn, giảm nôn ói và bổ sung kali, vitamin. Uống nước ép chanh táo giúp giảm nôn nghén, tăng khẩu vị và tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu.

Pha chanh với mật ong trong nước ấm để uống vào buổi sáng hàng ngày giúp giảm buồn nôn.

Thay đổi chế độ ăn, thói quen sinh hoạt giúp giảm ốm nghén khi mang thai      

Thay đổi chế độ ăn uống giúp giảm ốm nghén

Trong giai đoạn ốm nghén, điều mẹ bầu nào cũng quan tâm là cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Ngoài những mẹo chữa nghén cho bà bầu, thì việc điều chỉnh khẩu phần ăn hằng ngày giúp mang lại những lợi ích bất ngờ.

Chế độ ăn uống cho mẹ bầu giai đoạn thai nghén nên:

  • Bổ sung thực phẩm giàu chất sắt như: thịt bò, trứng, …
  • Các bữa ăn giàu protein (thịt, trứng, các loại hạt hoặc các sản phẩm từ sữa) sẽ tốt hơn các bữa ăn nhiều carbohydrate (tinh bột, đường) hoặc nhiều chất béo trong việc giảm cảm giác buồn nôn.
  • Tránh ăn các đồ ăn cay, đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn có mùi vị kích thích, hay rượu bia, cà phê.

Chia thành các bữa nhỏ, tránh để bụng đói

Nhiều mẹ bầu buồn nôn, chán ăn nên thường hay để bụng đói. Sự thật là khi bụng đói, dạ dày trống rỗng có thể làm trầm trọng thêm cảm giác buồn nôn. Vì vậy giải pháp là chia nhỏ các bữa ăn, mỗi bữa ăn không quá no để cơ thể vẫn có đầy đủ năng lượng mà lại không còn cảm giác nôn khó chịu nữa.

Hướng dẫn mẹ bầu cách ăn đúng:

  • Mẹ bầu nên ăn 5-6 bữa một ngày. Đặc biệt, không nên để bụng đói.
  • Nên ăn uống từ tốn và từng ít một. Điều này giúp mẹ bầu cảm giác thoải mái khi ăn và có thể ăn uống ngon miệng hơn. 
  • Đặc biệt không nằm thẳng ngay sau khi ăn: sau ăn ngồi nghỉ  ít nhất 30 phút sau khi ăn. Vì điều này có thể gây áp lực lên dạ dày, khiến cảm giác buồn nôn trở nên nghiêm trọng hơn.
Mẹ bầu nên ăn 5-6 bữa một ngày và mỗi bữa ăn không quá no để giảm nôn nghén

Hạn chế đồ chiên, xào chứa nhiều chất béo

Thức ăn chiên, xào chứa nhiều chất béo chuyển hóa không tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Ngoài ra, các đồ ăn nhiều dầu mỡ thường khó tiêu trong dạ dày. Do đó, làm tăng cảm giác khó chịu của mẹ bầu khi ốm nghén.

Uống nước thường xuyên

Uống nước thường xuyên tránh tình trạng mất nước, đặc biệt trong trường hợp mẹ bầu hay nôn nghén. Cách uống đúng là nên uống từng ngụm nhỏ và uống giữa các bữa ăn để làm giảm cảm giác buồn nôn. Không nên uống nước trong bữa ăn vì nước sẽ pha loãng dịch vị, ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày.

Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng khi bị ốm nghén

Căng thẳng, stress khiến cho ốm nghén càng trở nên tồi tệ hơn. Điều quan trọng là các mẹ bầu nên giữ tinh thần thoải mái, thư giãn. Ngủ, nghỉ ngơi hoặc làm những điều mình thích trong thời gian ốm nghén sẽ giúp cải thiện tinh thần cho mẹ bầu.

Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng giúp giảm các triệu chứng ốm nghén

Tập luyện hợp lý giúp giảm các triệu chứng ốm nghén

Các bài tập thể dục nhẹ nhàng vừa tăng cường sức khỏe vừa giảm nôn nghén khi mang thai. Mẹ bầu có thể lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, … để thực hiện hàng ngày. Ngoài ra, tập luyện với cường độ hợp lý giúp cải thiện tâm lý và duy trì sức khỏe tốt cho mẹ trong suốt thai kỳ.

Kết luận

Tình trạng ốm nghén là tình trạng sinh lý mà đa số các mẹ bầu đều phải trải qua. Nếu các mẹ đang gặp phải vấn đề này thì cũng đừng quá lo lắng nhé. Có thể tham khảo những mẹo chữa nghén cho bà bầu và cố gắng điều chỉnh chế độ ăn, thói quen sinh hoạt hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh. Quan trọng nhất là phải giữ tinh thần thoải mái, thư giãn nhất có thể.  

Khi tình trạng ốm nghén không kiểm soát được và kéo dài thì mẹ bầu nên đi khám, xin ý kiến tư vấn của bác sĩ sản khoa để có thể xử lý kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển an toàn của thai nhi.

Qua những chia sẻ của VIVITA.VN, hy vọng các mẹ bầu đã có những bí quyết giúp giảm tính trạng ốm nghén. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn vui lòng bình luận bên dưới bài viết hoặc liên hệ hotline 1900 2061 để được các Dược sĩ giải đáp.

Xem thêm: Thuốc chữa ốm nghén

Dược sĩ Ngọc Trúc

Đã kiểm duyệt nội dung

Xem thông tin

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)

Exit mobile version