#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Top 5 cách giảm cân cho trẻ em béo phì mà cha mẹ nên biết

Đi cùng sự phát triển kinh tế xã hội, dinh dưỡng trẻ em Việt Nam là một vấn đề được nhà nước đề cao và đã có những sự tác động thực sự hiệu quả. Song đi đôi với kết quả đáng mừng là tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm chỉ còn 14,8% ở trẻ em tuổi học đường, rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9% (số liệu năm 2019-2020)

Con số đáng báo động như thế nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa có phương pháp phù hợp nào để phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng tăng cân, béo phì của con cái. Vì vậy sau đây nhà thuốc Vivita liệt kê top 5 cách giảm cân cho trẻ em béo phì mà cha mẹ nên biết và áp dụng ngay

Thay đổi thói quen ăn uống

Chia nhỏ bữa ăn và kiểm soát khẩu phần của trẻ trong từng bữa

chia nhỏ bữa ăn

Thay vì cho trẻ ăn một ngày 3 bữa thì các bậc cha mẹ hãy chia bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ. Điều này giúp dạ dày trẻ không bị bỏ đói kéo dài, khi bước vào bữa ăn chính, trẻ sẽ cảm thấy muốn ăn nhiều hơn, nhanh hơn. Việc chia nhỏ bữa ăn cũng giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt, sau một thời gian ăn uống như vậy, dạ dày sẽ co lại, trẻ sẽ ăn vào một lượng thức ăn ít hơn

Loại bỏ thói quen ăn vì thấy thèm, ăn vui miệng, ăn nhiều vì hôm nay đồ ăn ngon…

Để trẻ ăn uống cùng gia đình, không cho trẻ vừa ăn vừa làm việc khác: chơi game, đọc truyện, xem tivi, điện thoại… điều này làm trẻ sẽ ăn rất nhiều mà không nhận ra là đã ăn bao nhiêu

Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ

Đây là một lưu ý trong chế độ giảm cân cho bất cứ ai mà nhiều khi các bậc cha mẹ cũng bỏ qua. Việc ăn chậm sẽ giúp não bộ kịp thời phát ra tín hiệu báo động rằng “đã no”; khi trẻ ăn quá nhanh, trẻ sẽ không kịp nhận ra rằng mình ăn đã đủ, thậm chí là quá dư thừa.

Việc nhai kỹ cũng là một cách để trẻ ăn chậm lại. Nhai kỹ còn giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn, giảm gánh nặng cho dạ dày trong việc co bóp nhào trộn thức ăn. Từ đó thức ăn cũng nhanh chóng đi xuống ruột non, tránh các tình trạng táo bón và rối loạn tiêu hóa cho trẻ

Không bỏ bữa sáng. Giảm khẩu phần ăn buổi tối

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng: cần giảm lượng ăn vào cho trẻ thì sẽ giảm calo nạp vào, sẽ giảm cân. Vậy thì giảm một bữa ăn trong ngày là được. Nhiều người còn quá bận rộn không có thời gian để kịp chuẩn bị bữa sáng cho trẻ được, từ đó việc trẻ bị bỏ đói bữa sáng xảy ra không ít ở nhiều gia đình. Điều này hoàn toàn sai lầm trong việc chăm sóc sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, khi bỏ bữa sáng, trẻ sẽ có xu hướng ăn nhiều vào bữa trưa và bữa tối, mỡ thừa sẽ càng tích tụ dễ dàng hơn.

Mong muốn giảm cân cho trẻ, tuyệt đối không bỏ bữa sáng

Đồng thời, cha mẹ cũng hạn chế cho bé ăn tối sau 20 giờ. Lúc này, trẻ ít vận động, không tiêu thụ nhiều năng lượng, lượng thức ăn buổi tối sẽ bị chuyển hóa thành tế bào mỡ

Lựa chọn thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng

Ăn đủ chất thay vì đủ lượng. Trong bữa ăn hằng ngày, cha mẹ nên có bữa ăn đủ 3 chất đạm, béo, tinh bột với tỷ lệ phù hợp

Tăng cường nguồn thực phẩm chứa nhiều protein

Tương ứng 1 g protein hay chất đạm sẽ bổ sung cho chúng ta 4 calories, đồng thời cũng đòi hỏi cơ thể dùng nhiều calo để tiêu thụ nó (nhiều hơn so với carbs hoặc chất béo). Protein giúp thúc đẩy cảm giác no, giúp trẻ cảm thấy no lâu hơn, hạn chế thèm ăn hơn, từ đó giúp trẻ giảm cân.

Các nguồn protein tốt từ động vật phổ biến như thịt nạc, cá, trứng, sữa hoặc từ thực vật như đậu nành, ngũ cốc, đậu Hà Lan, một số loại rau; các mẹ có thể chế biến đa dạng món ăn cho trẻ

Chế độ ăn giảm tinh bột – đường

Chúng ta thường vẫn biết rằng muốn giảm cân thì nên hạn chế tinh bột và chất béo, nhưng không được kiêng hoàn toàn hai chất này trong khẩu phần ăn của trẻ. Do tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính và nhanh nhất cho cơ thể. Tinh bột chuyển hóa thành Glucose cần thiết cho mọi hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là não bộ. Nếu cha mẹ loại bỏ tinh bột ra khỏi khẩu phần sẽ làm cho trẻ dễ gặp tình trạng đói lả, mệt mỏi, uể oải, giảm tập trung, thậm chí là chậm phát triển.

Vì vậy hãy lựa chọn cho trẻ em các loại tinh bột chậm. Thay vì các loại đồ tinh bột chế biến nhanh như snack, kẹo đường, bánh quy, pizza… thì hãy cho trẻ ăn các thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, hạnh nhân, óc chó, khoai tây, khoai lang không qua chiên rán…

Không loại bỏ chất béo hoàn toàn khỏi khẩu phần

Khẳng định lại một lần nữa rằng giảm cân cho trẻ béo phì không có nghĩa giảm hoàn toàn chất béo và tinh bột

Chất béo giúp tổng hợp vitamin D quyết định đến sự phát triển chiều cao cho trẻ. Việc kiêng hoàn toàn chất béo sẽ giảm sự hấp thu vitamin D. Phần lớn các trẻ bị còi xương có tới 2/3 số trẻ có khẩu phần ăn thiếu dầu mỡ.

Lựa chọn chất béo tốt từ các thực phẩm như cá hồi, dầu hạt lanh, olive, hạt óc chó, quả bơ… thay vì các loại mỡ động vật, mỡ nội tạng…Thay đổi cách chế biến thức ăn, hạn chế các đồ xào, chiên rán nhiều lần, cho trẻ ăn các món luộc, hấp.

Ăn nhiều trái cây và rau

Bổ sung nước ép trái cây cho trẻ là một phương pháp hữu ích để cung cấp vitamin khoáng chất, nhưng cũng không nên quá lạm dụng

Trái cây và rau củ bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ em béo phì là điều không thể thiếu nhưng các phụ huynh nên cho trẻ ăn trái cây thô. Việc này vừa giúp cung cấp vitamin khoáng chất vừa cung cấp thêm chất xơ cho trẻ, giúp trẻ no lâu hơn

Chế biến trái cây thành món ăn vặt cho trẻ lại càng là một phương án hay để thay thế cho các món ăn vặt khác lúc trẻ xem ti vi, đọc sách

Bổ sung nước lọc đủ nhu cầu

Trẻ em béo phì thường cảm thấy nhanh chóng mệt mỏi trong vận động nhanh, mạnh. Một là do việc ăn nhiều tinh bột làm năng lượng nhanh được cung cấp nhưng cũng nhanh bị tiêu thụ đi, hai là do thói quen lười vận động nên khi cơ thể cần hoạt động nhiều hơn một chút thôi cũng sẽ đòi hỏi năng lượng nhiều hơn rất nhiều so với người khác. Lượng nước mất đi cũng nhiều hơn qua việc tiết mồ hôi nhiều.

Nước là cơ sở cho mọi sự chuyển hóa và tạo năng lượng trong cơ thể. Vì vậy việc đảm bảo đủ nước cho trẻ em béo phì sẽ giúp cơ thể chuyển hóa nhanh hơn, đốt cháy năng lượng được nhiều hơn. Trẻ em béo phì từ 6 – 10 tuổi trở lên nên được bổ sung nước như người lớn là từ 2 – 2,5 lít/ngày. Những ngày trẻ có tập luyện thể thao thì có thể cần bổ sung nhiều hơn

Khuyến khích trẻ tập thể dục, vận động

Việc tập luyện vận động là không thể thiếu trong chế độ giảm cân cho trẻ em béo phì.

Trong thời đại Internet thịnh hành như hiện nay, trẻ em có thêm những trò chơi mới như game, lướt web, đọc truyện online, xem youtube… Những trò chơi vận động đã không còn phổ biến, vì vậy đây là một trong những nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ trẻ em béo phì

Các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ em vui chơi vận động nhiều hơn. Các trò chơi như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, trượt patin, bơi lội, đá bóng, bóng rổ, đá cầu, nhảy dây… là những hoạt động thể chất lý tưởng giúp trẻ tiêu hao phần năng lượng dư thừa. Các cha mẹ có thể cùng con vui chơi để làm gương cho con và cũng là người bạn đồng hành để hiểu con mình hơn

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên đề xuất việc vui chơi thể dục thể thao cho trẻ em ở trường học được nhiều hơn, giúp trẻ cân bằng việc học và vui chơi, góp phần phát triển toàn diện văn – thể – mỹ cho trẻ

Xây dựng bảng mục tiêu cho trẻ

Ngay cả đối với người lớn, giảm cân là một quá trình dài với nhiều thử thách và đầy khó khăn. Vì vậy, cách giảm cân cho trẻ em béo phì hiệu quả là các bậc phụ huynh nên đặt ra mục tiêu và chia ra từng giai đoạn phù hợp với trẻ.

Ví dụ, cha mẹ có thể đặt mục tiêu trong tuần đầu tiên đó là trẻ đi bộ được 3 ngày/tuần với tổng quãng đường là 1 km/ngày. Tuần thứ 2, mục tiêu là 5 ngày/tuần với tổng quãng đường là 2 km/ngày. Tuần thứ 3, mục tiêu là 7 ngày/tuần, với tổng quãng đường là 2,5 km/ngày…

Với mỗi mục tiêu/ tuần đã đề ra, nếu trẻ thực hiện được sẽ trao một phần thưởng xứng đáng mà trẻ yêu thích

Hoặc, cha mẹ có thể đặt mục tiêu cho trẻ theo số cân nặng giảm được mỗi tuần. Cứ đạt được một mục tiêu thì sẽ có khen thưởng cho trẻ

Khi cha mẹ chia ra từng giai đoạn nhỏ trong quá trình giảm cân của trẻ, mỗi một lần đạt được một mục tiêu nào đó, trẻ sẽ càng có niềm tin rằng giảm cân không phải là bất khả thi, giảm cân không phải là sự gian khổ. Và với mỗi mỗi món quà là một động lực lớn để trẻ phấn đấu hơn nữa. Hãy cho trẻ thấy rằng thể dục thể thao là một niềm vui chứ không phải là gánh nặng.

Giới thiệu một số thực đơn giảm cân cho trẻ em béo phì

Thực đơn giảm cân 1

Bữa sáng: bánh mì đen, 1 quả trứng ốp la, 1 hộp sữa ít béo.

Bữa phụ: sữa ít đường

Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, canh rau (mồng tơi, rau ngót, rau cải, súp lơ…), tôm hấp

Bữa phụ: 1 ly sữa ít béo và trái cây (chuối, bơ, dưa hấu, táo…)

Bữa tối: ½  bát cơm, canh rau và thịt luộc.

Thực đơn giảm cân 2

Bữa sáng: 1 bát súp gà, 1 hộp sữa ít béo

Bữa phụ: sữa bổ sung Calci ít đường

Bữa trưa: 1 bát cơm, 1 đĩa rau xanh luộc các loại (cải thảo, bông cải xanh, cà rốt), cá hấp.

Bữa chiều: trái cây dầm sữa chua

Bữa tối: ½  bát cơm, thịt bò, súp lơ xanh luộc hoặc xào.

Thực đơn giảm cân 3

Bữa sáng: 1 bát mì trắng nấu thịt gà (nên lựa chọn phần ức gà), 1 hộp sữa ít béo.

Bữa phụ: sữa đậu nành ít đường

Bữa trưa: 1 bát cơm, 1 canh hầm rau củ, thịt luộc (nên là thịt nạc)

Bữa chiều: 1 ly sinh tố ít đường (bơ, mãng cầu, cà rốt)

Bữa tối: ½  bát cơm, rau cải xào, thịt ức gà có thể hấp, luộc hoặc kho sả.

Thực đơn giảm cân 4

Bữa sáng: 1 bát phở thịt gà (Bánh phở 100g, thịt ức gà 30g) sữa ít đường hoặc sữa chua 1 hũ nhỏ

Bữa phụ: sữa tươi ít đường

Bữa trưa: 1 bát cơm, thịt bò thăn, rau luộc (rau muống, rau cải…)

Bữa chiều: trái cây tươi (táo, dưa hấu, lê, dâu tây, cam, bưởi…)

Bữa tối: ½ bát cơm, thịt (cá, tôm,..), salad rau củ

Lưu ý:

  • Không ăn sau 19h
  • Kiểm soát trẻ có thể ăn uống thêm ngoài các bữa ăn trên (ở trường, đi chơi với bạn bè…)
  • Có thể thay đổi đa dạng thực đơn giảm cân cho trẻ béo phì bằng cách thay đổi các nguyên liệu, cách chế biến
  • Nên cho trẻ ăn đều, không bỏ bữa. Không để trẻ quá đói rồi mới cho ăn
  • Trong những ngày đầu tiên áp dụng thực đơn có thể trẻ sẽ chán nản, bỏ cuộc, cha mẹ có thể tiếp tục từ chế độ ăn cũ và thay đổi dần cách chế biến dần, giảm lượng ăn một cách từ từ 4 g

Như vậy nhà thuốc VIVITA.VN vừa gửi đến bạn đọc các cách giảm cân cho trẻ em béo phì, và một số thực đơn mẫu cho chế độ ăn của các trẻ, các bậc cha mẹ có thể ứng dụng ngay cho mục tiêu nâng cao sức khỏe cho con em mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc, vui lòng bình luận bên dưới bài viết hoặc liên hệ hotline để được các chuyên viên giải đáp

Có thể bạn quan tâm

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)

Exit mobile version