Bệnh viện Trưng Vương – Thông tin, hướng dẫn đăng ký khám bệnh
Xem nhanh nội dung bài viết
- 1 Giới thiệu chung về Bệnh viện Trưng Vương
- 2 Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của Bệnh viện Trưng Vương
- 3 Thành quả mà Bệnh viện Trưng Vương đạt được
- 4 Các chuyên khoa tại Bệnh viện Trưng Vương
- 5 Quy trình khám bệnh tại bệnh viện Trưng Vương
- 6 Đăng ký khám bệnh tại bệnh viện Trưng Vương
- 7 Thời gian làm việc
- 8 Địa chỉ và thông tin liên hệ Bệnh viện Trưng Vương
Giới thiệu chung về Bệnh viện Trưng Vương
Lịch sử hình thành Bệnh viện Trưng Vương
Được khởi công xây dựng ngày 16/3/1963 với tên gọi là Bệnh viện Trưng Vương, chuyên môn chính lúc bấy giờ là sản – nhi phục vụ cho vợ con gia đình binh sĩ chế độ cũ. Một năm sau ngày khởi công, Khu Nhà điều hành được khánh thành và đi vào hoạt động. Kể từ đó đến năm 1974, các khu chức năng như: Dược – Xét nghiệm, Điện tuyến, Nội – Nhi, Nha khoa, Khoa Ngoại, Sản khoa và Săn sóc đặc biệt lần lượt được hình thành.
Giai đoạn tiếp quản và ổn định (1975 – 1985)
Ngày 01/5/1975, Bệnh viện Trưng Vương được Ban Y tế xã hội Miền Nam thuộc Ban Quân quản thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và quản lý.
Ngày 27/9/1975, Bệnh viện Trưng Vương được Ban Quân quản thành phố Hồ Chí Minh bàn giao cho Sở Y tế Thành phố quản lý.
Năm 1978, để tăng cường công tác cứu chữa cho thương binh, bệnh binh từ chiến trường biên giới Tây Nam, Bệnh viện đã thành lập 5 đội cấp cứu tiền phương, cử hơn 75 lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng biên giới Tây Ninh.
Năm 1983, Bệnh viện Trưng Vương phối hợp cùng Bộ tư lệnh quân sự thành phố Hồ Chí Minh thành lập Đại đội Quân y dự bị gồm 42 bác sĩ, điều dưỡng, triển khai 100 giường phục vụ Chiến dịch N 83.
Giai đoạn củng cố và phát triển (1986 – 1996)
Quy mô giường bệnh từ 285 giường tăng lên 500 giường bệnh, đội ngũ Thầy thuốc từ 121 người đã tăng lên 526 người. Nhiều kỹ thuật y học mới được ứng dụng thành công, trong đó phải kể đến những tiến bộ vượt bậc trong phẫu thuật nội soi tổng quát, phẫu thuật nội soi đường mật, nội soi tán sỏi thủy lực…đây là kỹ thuật tiên tiến lần đầu tiên triển khai thành công tại Bệnh viện Trưng Vương. Việc đưa kỹ thuật mới vào điều trị bệnh nhân đã giúp trị liệu hiệu quả bệnh lý sỏi đường mật trong gan. Một bệnh lý phổ biến ở nước ta mà trước đó bằng phương pháp mổ hở phức tạp, tốn kém và kéo dài thời gian nằm viện. Trong giai đoạn này, nhiều khoa phòng mới được thành lập, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bi, nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp cận với những tiến bộ của y học hiện đại.
Giai đoạn ứng dụng khoa học công nghệ y sinh học (1997 – 2013)
Bệnh viện tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong những thập niên trước, đồng thời tiếp nhận thêm chức năng mới, đó là Trung tâm Cấp cứu 115 của Thành phố sáp nhập về bệnh viện năm 1999 đồng thời đổi tên Bệnh viện Trưng Vương thành Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương. Năm 2003, Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương được đổi tên thành Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho đến năm 2013.
Năm 2003, Bệnh viện được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận là bệnh viện đa khoa hạng I thuộc Sở Y tế thành phố. Với chức năng và nhiệm vụ mới, Bệnh viện được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp kinh phí đầu tư xây mới Khu nhà D phục vụ Sea Games 2003. Quy mô giường bệnh cũng được tăng dần theo nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Theo thời gian, từ số giường khiêm tốn vào những năm đầu mới giải phóng là 285 giường bệnh nội trú thì đến năm 2009 số giường bệnh đã tăng gần 2,5 lần và ổn định với 700 giường bệnh nội trú.
Bệnh viện tiếp tục duy trì và nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực (từ tổng số nhân viên 526 người, đã tăng lên 1.099 cán bộ viên chức trong đó cán bộ chuyên môn giỏi với học hàm, học vị Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II, thạc sĩ và cán bộ đại học là 276 người. Năm 2014, sau khi chia tách Trung tâm Cấp cứu 115 của Thành phố, biên chế Bệnh viện được tái bố trí theo Đề án vị trí việc làm. Số cán bộ viên chức hiện hữu là 964 người.
Trung tâm cấp cứu của thành phố, với chức năng nhiệm vụ được giao điều hành mạng lưới cấp cứu của thành phố. Cấp cứu hiệu quả tại cộng đồng, tham gia tích cực vào các lễ hội, sự kiện lớn như: Lễ hội mừng Đảng, mừng xuân hàng năm, Cuộc đua tranh Cúp Truyền hình hàng năm, diễn tập cấp cứu, cứu hộ cứu nạn, SEA Games 2003, Hội Nghị APEC 2006, Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 3 năm 2009… phục vụ các đoàn khách Quốc tế đến thăm và làm việc với Lãnh đạo thành phố, tích cực tham gia cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trong công tác chống dịch SARS, cúm A H5N1, H1N1 và các thảm họa khác xảy ra trên địa bàn thành phố và các tỉnh.
Giai đoạn xây dựng và phát triển chuyên sâu
Năm 2014, trước nhu cầu phát triển của Thành phố, Trung tâm Cấp cứu 115 của thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập trên cơ sở tách từ chức năng cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương được điều chỉnh lại tên “Bệnh viện Trưng Vương” theo Quyết định số 6374/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập Bệnh viện Trưng Vương thuộc Sở Y tế.
Hiện nay, Bệnh viện Trưng Vương vẫn quy mô 700 giường bệnh nội trú với 27 khoa – chuyên khoa, 9 phòng chức năng và 964 cán bộ công chức, viên chức, người lao động.
Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của Bệnh viện Trưng Vương
- Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật y học: phẫu thuật sọ não, phẫu thuật gan mật bằng nội soi. Đặc biệt kỹ thuật nội soi tán sỏi thủy lực, cắt túi mật nội soi, phẫu thuật Whipple nội soi trong điều trị ung thư đầu tụy, phẫu thuật cắt gan trong điều trị ung thư gan, phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật chỉnh hình cột sống, phẫu thuật tạo hình bỏng, lọc máu liên tục (CRRT), chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng (PD) trong điều trị suy thận, can thiệp mạch vành điều trị nhồi máu cơ tim, can thiệp làm thuyên tắc mạch xử trí các tình huống xuất huyết, TOCE điều trị u gan, can thiệp mạch máu não bằng hệ thống DSA…
- Để thực hiện những kỹ thuật cao, bệnh viện đã đầu tư máy CT Scanner xoắn ốc, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), hệ thống chụp cộng hưởng từ (MRI), XQ kỹ thuật số, siêu âm màu 3 chiều, máy thận nhân tạo, máy giúp thở cao cấp, thiết bị phẫu thuật sội soi, hệ thống xét nghiệm hiện đại… tất cả vì mục tiêu tiếp cận nhanh, chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.
Thành quả mà Bệnh viện Trưng Vương đạt được
- Dù ở giai đoạn nào trong lịch sử xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt từ năm 1999 đến 2013, Bệnh viện cùng lúc đảm đương hai nhiệm vụ là Trung tâm Cấp cứu 115 của Thành phố và bệnh viện đa khoa hạng I.
- Bệnh viện vinh dự được Hội đồng nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba năm 1986, Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba năm 1998, 2011. Bộ Y tế công nhận Bệnh viện xuất sắc toàn diện trong nhiều năm, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2009 cùng nhiều bằng khen của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố và các tỉnh, Ủy ban nhân Thành phố tặng thưởng cờ thi đua Đơn vị xuất sắc năm 2003, 2010, 2012.
- Năm 2013, nhân kỷ niệm 50 năm (1963 – 2013) xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch cùng nhiều phần thưởng cho các tập thể cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Các chuyên khoa tại Bệnh viện Trưng Vương
- Các chuyên khoa có thế mạnh liên qua đến ngoại khoa: phẫu thuật nội soi ngoại khoa tổng quát như: phẫu thuật cắt gan, túi mật, dạ dày, đại tràng, tụy, tán sỏi bằng thủy lực qua nội soi, phẫu thuật điều trị các bệnh lý niệu khoa, lồng ngực – mạch máu, tuyến giáp, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thay khớp, chỉnh hình cột sống, phẫu thuật sọ não… Tất cả các phẫu thuật đều được thực hiện tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức với các phòng mổ đạt tiêu chẩn an toàn của bệnh viện đa khoa hạng I.
- Các kỹ thuật chuyên khoa sâu: chụp và can thiệp mạch vành, can thiệp mạch máu não, TOCE, mạch máu tổng quát thực hiện trên hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Khoa điều trị đau – Vật lý trị liệu – Y học cổ truyền được trang bị các máy chuyên dùng tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng mang lại hiệu quả cao, đặc biệt đối với bệnh lý mạn tính.
- Các chuyên khoa nội: Thần kinh, Tim mạch, nội tiết, hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm điều trị hiệu quả hầu hết tất cả các bệnh thuộc chuyên khoa của mình và hổ trợ điều trị nội khoa. Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc với đội ngũ thầy thuốc năng động, nhiệt tình cùng các trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy giúp thở cao cấp, máy lọc máu liên tục, hệ thống theo dõi bệnh nhân tại giường đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.
=> Tìm hiểu về Bác sĩ Đinh Hiếu Nhân – Chuyên khoa Tim mạch – Bệnh viện Trưng Vương
- Khoa Thận – thận nhân tạo được trang bị 24 máy lọc máu thế hệ mới cùng với đội ngũ thầy thuốc nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thận – thận nhân tạo đã điều trị hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi tháng. Ngoài ra, Khoa Thận – thận nhân tạo còn triển khai lọc màng bụng đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối nhưng màng bụng còn hoạt động tốt. Kỹ thuật này giúp người bệnh không chỉ điều trị hiệu quả cao mà còn tiết kiệm chi phí và bệnh nhân không lệ thuộc vào máy chạy thận.
- Có thể kể đến một hoạt động dịch vụ làm đẹp tại Khoa Bỏng – tạo hình – thẩm mỹ thông qua bàn tay của đội ngũ phẫu thuật thẩm mỹ lành nghề giàu kinh nghiệm, khách hàng được tư vấn tận tình, chu đáo và thực hiện mọi yêu cầu làm đẹp của khách hàng trong môi trường bệnh viện an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý.
- Khoa Chẩn đoán hình ảnh với các thiết bị kỹ thuật cao: CT scanner 6 lát, 128 lát, hệ thống cộng hưởng từ (MRI) 1,5 tesla, hệ thống XQ kỹ thuật số, máy siêu âm màu 3, 4 chiều… là những công cụ hữu hiệu giúp ích cho lâm sàng tiếp cận nhanh, chính xác và can thiệp kịp thời cho bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân cấp cứu. Khoa Xét nghiệm được trang bị hệ thống máy huyết học, sinh hóa, miễn dịch học tự động và labo vi sinh hiện đại cho kết quả nhanh, chính xác.
- Ngoài ra, Bệnh viện có khu dịch vụ phục vụ riêng bệnh nhân có nhu cầu từ khâu khám ngoại chẩn, phẫu thuật theo yêu cầu và nằm điều trị tại phòng bệnh tiện nghi, chăm sóc chu đáo.
Quy trình khám bệnh tại bệnh viện Trưng Vương
Đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)
Bước 1: Lấy số thứ tự
Đến trực tiếp tại quầy lấy số. Sáng từ 6 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 16 giờ.
Bước 2: Làm thủ tục tại cửa tiếp nhận
Gồm các cửa tiếp nhận số 1-12. Cửa tiếp nhận số 6 ưu tiên cho các đối tượng theo quy định (người già trên 80 tuổi, phụ nữ có thai, người bị khuyết tật nặng,…). Tại đây người bệnh trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân. Sau kiểm tra hợp lệ và cấp số tiếp nhận, người bệnh được hướng dẫn đến phòng khám bệnh.
Bước 3: Khám bệnh tại các phòng khám bệnh
Phòng khám bệnh được đánh từ số 8 cho đến 28, tùy theo chuyên khoa. Khi đến phòng khám bệnh, người bệnh nộp sổ khám bệnh đúng vị trí nộp sổ của mỗi phòng và chờ gọi tên theo thứ tự.
Sau khi khám bệnh, có 3 trường hợp xảy ra:
- Điều trị bằng thuốc.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng.
- Chỉ định nhập viện.
Bước 4: Chỉ định điều trị bằng thuốc
- Người bệnh mang sổ khám bệnh và đơn thuốc đến quầy số 17,18,19, 20 thanh toán viện phí để đóng viện phí.
- Nhận lại thẻ BHYT, sổ khám bệnh tại quầy số 16.
- Lãnh thuốc tại các quầy số: 12.
Bước 5: Thực hiện các chỉ định cận lâm sàng
Tùy theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể thực hiện các chỉ định số phòng như sau:
- Đo điện tim: Phòng số 15.
- Chụp X quang: Phòng số 29.
- Nội soi: Phòng số 32, 33, 34.
- Siêu âm tim – mạch máu: Phòng số 37.
- Siêu âm tổng quát: Phòng số 37.
- Phòng xét nghiệm: Phòng số 38.
Khi có đủ kết quả các chỉ định cận lâm sàng, người bệnh trở lại phòng khám bệnh, bác sĩ xem kết quả cho chỉ định điều trị, và thực hiện bước 4.
Bước 6: Chỉ định nhập viện.
Trong thời gian chờ hoàn tất hồ sơ nhập viện, người bệnh đóng tiền tạm ứng trước khi nhập viện.
Đối với người bệnh không có thẻ BHYT
Thực theo 6 bước như sau:
- Bước 1. Đến khu khám bệnh, mua sổ và đăng ký khám bệnh tại quầy số 1.
- Bước 2. Đến quầy thu ngân đóng tiền khám và nhận biên lai đóng tiền.
- Bước 3. Đến phòng khám, nộp sổ và chờ gọi tên vào khám.
- Bước 4. Bạn sẽ đóng tiền và làm thêm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
- Bước 5. Sau khi hoàn thành các xét nghiệm, bạn đưa kết quả cho bác sĩ tại phòng khám ban đầu.
- Bước 6. Bệnh nhân sẽ lấy thuốc hoặc nhập viện theo chỉ định của bác sĩ.
Đăng ký khám bệnh tại bệnh viện Trưng Vương
- Để đăng ký khám bệnh tại bệnh viện Trưng Vương, người bệnh cần đến bệnh viện để lấy phiếu đăng ký khám. Hoặc người bệnh có thể đăng ký qua tổng đài của bệnh viện 1900 75 75 55. Dịch vụ này áp dụng cho người bệnh khám dịch vụ và khám bảo hiểm y tế.
- Đây là một trong những dịch vụ của khoa khám bệnh nhằm giúp người bệnh chủ động đăng ký khám bệnh theo nhu cầu và thời gian mong muốn. Giúp kiểm soát và tiết kiệm thời gian đi lại. Không phải xếp hàng chờ đội lâu, chất lượng phục vụ tốt, chuyên nghiệp.
- Sau khi gọi đến tổng đài, người bệnh đăng ký thông tin, lịch hẹn khám. Khi đến ngày đăng ký, người bệnh sẽ được khám theo đúng thông tin mong muốn mà không phải chờ đợi lâu. Nếu có nhu cầu đăng ký khám qua tổng đài, người bệnh cần đăng ký trước 7 ngày để được sắp xếp theo đúng ý muốn.
Thời gian làm việc
Từ thứ 2 đến thứ 6:
- Sáng: Từ 07 giờ đến 11 giờ 30.
- Chiều: Từ 13 giờ đến 16 giờ 30.
Sáng thứ 7:
- Từ 07 giờ đến 12 giờ.
Địa chỉ và thông tin liên hệ Bệnh viện Trưng Vương
- Địa chỉ: 266 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 3865 6744
- Quý khách có câu hỏi có thể liên hệ qua email: bv.cctv@tphcm.gov.vn.
=> Tìm hiểu thêm: Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo