#10 món quà tặng sức khỏe ý nghĩa cho người già

Xem ngay
0

Bệnh Tay Chân Miệng Cấp Độ 1 Và Những Thông Tin Không Thể Bỏ Qua

Chăm Sóc Bé

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 tuy chỉ đang ở mức độ nhẹ nhưng phụ huynh cần lưu ý chăm sóc bé để tránh bệnh nặng hơn gây nguy hiểm. Bài viết này sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về bệnh tay chân miệng cấp độ 1 và những thông tin liên quan.

QC

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng cấp độ 1

Trẻ bị bệnh tay chân miệng độ 1 thường có những biểu hiện sau: người mệt mỏi, sốt 38 – 39 độ C. Bên cạnh đó, cơ thể của bé còn xuất hiện bọng nước ở da, đặc biệt là miệng, tay, chân,… Khi các bọng nước này vỡ ra sẽ hình thành các vết loét khiến bé bị đau. 

Một số biểu hiện khác của bệnh tay chân miệng cấp độ 1:

  • Cơ bắp bị đau nhức, cổ cứng, đau đầu.
  • Trẻ ngủ không yên giấc, hay bị giật mình hoặc trẻ ngủ nhiều hơn.
  • Trẻ đau họng, hay chảy nước miếng.
  • Trẻ bị quấy khóc.

Khi phụ huynh thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng này, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng cấp độ 1 là xuất hiện những bọng nước ở tay, chân, miệng
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng cấp độ 1 là xuất hiện những bọng nước ở tay, chân, miệng

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 có cần nhập viện không?

Bệnh tay chân miệng độ 1 là thể nhẹ nên phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nên cho trẻ đến khám tại bệnh viện để nhận được phác đồ điều trị phù hợp với trẻ và tái khám đúng lịch.

Trong quá trình điều trị tại nhà, phụ huynh cần cho trẻ nhập viện ngay nếu thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng sau,:

  • Sốt cao trên 39 độ C.
  • Sốt trên 3 ngày.
  • Trẻ nôn trớ nhiều.
  • Trẻ ngủ gà.

Điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1 tại nhà

Phụ huynh có thể chăm sóc khi trẻ bệnh chân tay miệng độ 1 tại nhà như sau:

  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi của trẻ. Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì nên tiếp tục cho trẻ bú theo cữ hoặc nhu cầu của trẻ.
  • Hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ.
  • Để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế kích thích.

Phụ huynh nên cho trẻ tái khám sau 1 – 2 ngày, liên tục trong 8 – 10 ngày đầu của bệnh. Nếu trẻ sốt cao hoặc có dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh bệnh trở nặng, nguy hiểm hơn. 

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ là cách điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1 hiệu quả
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ là cách điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1 hiệu quả

Các cấp độ của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng ở trẻ có 4 cấp độ với những biểu hiện khác nhau, cụ thể là:

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1

Cấp độ 1 là bệnh ở thể nhẹ, bé thường xuất hiện những vết bọng nước trên da, cơ thể mệt mỏi, đau nhức.

Bệnh tay chân miệng cấp độ 2

Khi trẻ bị bệnh cấp độ 2 sẽ xuất hiện các biến chứng ở thần kinh và tim mạch nhẹ. Cấp độ 2 chia thành 2 phân độ nhỏ:

  • Độ 2a: trẻ có những biểu hiện như giật mình dưới 2 lần/ 30 phút và không ghi nhận lúc khám, sốt trên 2 ngày, sốt trên 39 độ C, thường nôn trớ, cơ thể mệt mỏi, khó ngủ, quấy khóc không rõ lý do.
  • Độ 2b: dấu hiệu được chia thành 2 nhóm:

– Nhóm 1: trẻ giật mình được ghi nhận lúc khám hoặc có giật mình trên 2 lần/ 30 phút hoặc dưới 2 lần/ 30 phút kèm các biểu hiện như ngủ gà, nhịp tim nhanh >150 nhịp/ phút, sốt cao >39 độ không đáp ứng thuốc hạ sốt.

– Nhóm 2: trẻ có các dấu hiệu như run người, run chân, ngồi không vững, đi loạng choạng, yếu hoặc liệt chân tay, biểu hiện nuốt sặc, thay đổi giọng nói…

Bệnh tay chân miệng cấp độ 3

Khi bệnh chân tay miệng chuyển lên cấp độ 3 sẽ có biến chứng về thần kinh, hô hấp, tim mạch:

  • Tim đập nhanh trên 170 nhịp/ phút khi trẻ nằm yên, không sốt. Một số trẻ khi bị nặng sẽ có mạch đập chậm.
  • Cơ thể vã mồ hôi, lạnh toàn thân.
  • Huyết áp tăng.
  • Thở bất thường, nhịp nhanh, thậm chí có cơn ngưng thở, thở rít, khò khè,…
  • Rối loạn tri giác, tăng trưởng lực cơ.

Bệnh tay chân miệng cấp độ 4

Trẻ bị bệnh tay chân miệng cấp độ 4 sẽ xuất hiện triệu chứng sốc:

  • Trẻ có biểu hiện sốc: mạch = 0, huyết áp = 0,…
  • Phổi phù cấp, tím tái.
  • Thở nấc, thậm chí là ngưng thở.
Các cấp độ của bệnh tay chân miệng
Các cấp độ của bệnh tay chân miệng

Các giai đoạn phát triển của bệnh

Bệnh chân tay miệng có các giai đoạn phát triển như sau: 

  • Giai đoạn ủ bệnh: thường kéo dài từ 3 – 7 ngày.
  • Giai đoạn khởi phát: kéo dài từ 1 – 2 ngày với các dấu hiệu như sốt nhẹ, trẻ biếng ăn, người mệt mỏi hơn bình thường, có khi kèm theo tiêu chảy.
  • Giai đoạn toàn phát: kéo dài 3 – 10 ngày và kèm theo những triệu chứng điển hình của chân tay miệng.

– Loét miệng: khu vực niêm mạc miệng xuất hiện các vết loét đỏ, có thể có phỏng nước với đường kính từ 2 – 3 mm. Các vết loét này gây đau là nguyên nhân khiến cho trẻ biếng ăn, bỏ bú, tiết nước bọt nhiều.

– Các vết bọng nước xuất hiện nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Các vết này thường tồn tại dưới 7 ngày, để lại vết thâm và hiếm khi bội nhiễm.

– Sốt 38 – 39 độ C, sốt cao trên 2 ngày có thể xuất hiện biến chứng.

– Các biến chứng nguy hiểm về thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

  • Giai đoạn lui bệnh: kéo dài từ 3-5 ngày, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn và không có biến chứng nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng cấp độ 1. 

Nguyên nhân gây ra chân tay miệng

Nhóm virus đường ruột điển hình gây ra chân tay miệng là Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71).

  • Coxsackievirus A16 (nhóm A16): loại thường gặp nhất, gây bệnh nhẹ và ít biến chứng.
  • Enterovirus 71 (EV71): gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí là tử vong.

Các virus này sống trong hệ tiêu hoá và có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ bọng nước hoặc phân của người bệnh.

Bệnh có thể mắc ở tất cả đối tượng, từ người già đến trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch kém.

Cách phòng tránh bệnh chân tay miệng

Hiện nay, trên thị trường chưa có vắc xin phòng bệnh chân tay miệng. Chính vì thế, phụ huynh cần lưu ý những cách phòng bệnh an toàn cho trẻ như sau:

  • Thực hiện phòng bệnh ở những nơi công cộng trẻ hay tới như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi,…
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay với xà phòng sau khi thay quần áo, thay tã bỉm, hoặc sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt,… của người bệnh.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: sử dụng nguồn nước sạch, ăn chín, uống sôi, dụng cụ ăn uống cần được vệ sinh sạch sẽ.
  • Cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh: không bón thức ăn cho trẻ từ miệng người lớn, không cho trẻ mút tay, cắn gặm đồ linh tinh.
  • Giữ gìn vệ sinh khu vực ngủ cho trẻ: chăn gối giường chiếu, đặc biệt không cho trẻ sử dụng chung đồ dùng của người khác.
  • Thường xuyên khử trùng đồ dùng của bé như dụng cụ ăn uống, đồ chơi,…
  • Vệ sinh nhà cửa, nên sử dụng nước lau sàn khử khuẩn.
  • Không cho bé tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ bị bệnh.
Nên thường xuyên rửa tay cho bé để phòng bệnh tay chân miệng
Nên thường xuyên rửa tay cho bé để phòng bệnh tay chân miệng

Trên đây Vivita đã cung cấp những thông tin quan trọng của bệnh chân tay miệng cấp độ 1 về biểu hiện và cách điều trị. Để tìm hiểu thêm về các thông tin liên quan, độc giả có thể bình luận dưới bài viết để được chuyên viên tư vấn chi tiết. 

Bài cùng chuyên mục

Hotline (24/7)


1900 2061

Gặp dược sĩ
(6-22h)